Vì sao doanh nghiệp kém thiết tha thị trường xa?

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dường như đang dành ưu tiên lớn cho các thị trường gần ở châu Á như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… hoặc Australia. Ngay cả với thị trường xa và mới như Canada hay các quốc gia ở Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, kim ngạch xuất khẩu còn chưa xứng tầm dù những thị trường này còn nhiều dư địa. Tại sao lại như vậy?

Một báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương cho biết riêng xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm 2018, thị trường châu Á tăng đến 54,4%. Trong đó, phải kể đến những thị trường có mức tăng trưởng lớn, 15 – 28% như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn xuất khẩu sang châu Đại Dương thì tăng 31,1%.

Đáng chú ý nhất vẫn là Trung Quốc, đã tạm vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 4,47 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, tăng đến 148,9%. Theo Tổng cục Hải quan, có trên 10 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. 

Gia tăng thị trường gần

Trong khi đó, xuất khẩu sang EU có vẻ thấp hơn nhiều, chỉ tăng 7,4%. Với thị trường chủ lực như Mỹ, dù ở mức tăng 17% nhưng nếu so sánh với Trung Quốc, có thể thấy đây là mức chênh lệch quá lớn xét về mặt tăng trưởng xuất khẩu. Còn nếu nói về một thị trường vừa xa vừa mới như châu Phi, kim ngạch xuất khẩu giảm 9,5% so với cùng kỳ, kim ngạch ước đạt vỏn vẹn 128,2 triệu USD.

Những con số thống kê này dễ làm người ta hình dung là các DN xuất khẩu đang tập trung vào thị trường gần, dễ tính chứ không còn tập trung quá nhiều vào thị trường cao cấp như EU, Mỹ hoặc ít dành sự quan tâm lớn những thị trường xa như Nam Mỹ, châu Phi hay Trung Đông

Ngay như ở Bắc Mỹ, thị trường Canada rất tiềm năng nhưng kim ngạch xuất sang đây của các DN Việt Nam cũng được cho là còn khá khiêm tốn. Trong buổi tiếp xúc mới đây với các DN tại TP. Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, tỏ ý rằng các DN Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến thị trường này dù cơ hội thâm nhập là rất lớn.

Theo bà Hương, điều mong muốn là các DN Việt hãy tham gia tích cực, phân tích, tìm hiểu kỹ hơn để có những bước tiến vững chắc vào thị trường Canada. Các DN nên liên hệ với phía Thương vụ để kiểm chứng những thông tin về phía đối tác.

Cũng nên nhắc lại, cách đây 2 năm, có 10 DN xuất khẩu thủy sản đã bị mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng ở Quebec, Canada. Vụ việc trên đến nay vẫn còn dư âm khi các DN xuất khẩu thuỷ sản kém thiết tha với thị trường này. 

Hoặc như các thị trường ở Nam Mỹ, châu Phi và Trung Đông, nếu theo dõi thông tin thường xuyên sẽ thấy còn rất nhiều dư địa và cơ hội cho các DN Việt Nam.

Đơn cử Nam Mỹ, mỗi năm, thị trường này nhập khẩu khoảng hơn 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa. Tuy vậy, nhiều DN Việt đến giờ vẫn còn chưa biết phải tiếp cận thị trường này như thế nào. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm Việt Nam sang đây cũng chỉ vài tỷ USD, chủ yếu là sản phẩm giày dép, thủy sản, gạo, quần áo, cà phê, cao su, thiết bị và linh kiện điện tử…

“Cầu nối” thương vụ?

Ở thị trường Trung Đông, theo ước tính 80% lương thực, thực phẩm khu vực này phải nhập khẩu hàng năm với hàng chục tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì theo dự báo đến năm 2035, ước nhập khẩu khoảng 70 tỷ USD về lương thực, thực phẩm. 

Đây cũng là cơ hội lớn về xuất khẩu cho các DN Việt trong ngành thực phẩm. Vậy nhưng, việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường này đến nay được cho là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng (cách đây 2 năm, kim ngạch xuất chỉ đạt 775 triệu USD).

Còn với châu Phi, một trong lý do mà các DN Việt còn e dè trong các giao dịch thương mại là tình trạng lừa đảo của một số DN đến từ các nước Tây Phi. Trong khi đó, các DN cũng có thể gặp rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu không có thói quen mở L/C.

Một chủ DN xuất khẩu bày tỏ băn khoăn với phóng viên là với những thị trường xa và thị trường mới, điều e ngại là còn chưa hiểu nhiều về bạn hàng mới, chưa nắm nhiều thông tin về thị trường ở đó. 

Chưa kể, việc vận chuyển hàng hoá lại xa xôi nên phát sinh nhiều chi phí. Điều đáng nói là sau khi đối tác nhận hàng, không chịu thanh toán ngay, để nhận được tiền thì phải tốn nhiều thời gian và thủ tục. Tất cả làm cho DN nghi ngại.

Riêng với lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản hiện nay, giới chuyên gia nhận định các DN Việt sẽ lựa chọn châu Á, với những thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những thị trường xuất khẩu chính, nhất là khi việc xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ hay EU đang gặp nhiều trở ngại về hàng rào kỹ thuật cản trở.

Còn như EU, dù là thị trường lớn nhưng từ 2 năm nay đã không còn nằm trong tốp 3 về xuất khẩu đối với các DN xuất khẩu cá tra do cá tra liên tiếp gặp khó ở thị trường này. Thị trường láng giềng Trung Quốc đã nhanh chóng thay thế vị trí EU.

Được biết, trong định hướng hoạt động thương vụ của Bộ Công Thương năm 2018 vẫn dành ưu tiên cao cho các thị trường mới. Mục đích là để góp phần thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tích cực, cân bằng hơn giữa các khu vực, chú trọng các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ. 

Đặc biệt, các thương vụ cần dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng mà các DN 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giữa định hướng và thực tế vẫn còn là một khoảng cách xa, nếu muốn rút ngắn, đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía thương vụ trong vai trò cầu nối và các DN xuất khẩu. 

Trong khi đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tiếp xúc đối tác tại một số thị trường xa của phía thương vụ được cho là còn bị hạn chế bởi không có nhân sự sử dụng ngôn ngữ bản địa.