Vì sao FDI đổ vốn bổ sung vào dự án đang triển khai thay vì dự án mới?

Theo Thy Hằng/enternews.vn

Vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào các dự án đã được cấp phép và đang được triển khai, trong khi vốn đổ vào các dự án mới giảm mạnh, một điều không phổ biến với FDI ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Là một trong số các quốc gia may mắn kiểm soát được dịch từ sớm, Việt Nam không bị gián đoạn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Vì sao FDI đổ vốn bổ sung vào dự án đang triển khai thay vì dự án mới? - Ảnh 1

Trong quý II/2020, vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới chỉ đạt 2,94 tỷ USD, giảm 18%, nhưng vốn đăng kí bổ sung đạt 2,62 tỷ USD, tăng 64%.

Tuy nhiên, vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào các dự án đã được cấp phép và đang được triển khai, trong khi vốn đổ vào các dự án mới giảm mạnh, một điều không phổ biến với FDI ở Việt Nam.

Theo đó, báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, trong Quý II/2020, vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới chỉ đạt 2,94 tỷ USD, giảm 18%, nhưng vốn đăng kí bổ sung đạt 2,62 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước và tăng 139% so với cùng kỳ quý trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong Quý II đạt 4,75 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ quý trước, con số này năm 2019 đạt tương ứng là 4,98 tỷ USD, tăng 20,8%. 

Tính chung sáu tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới đạt 8,43 tỷ USD, tăng 14%, vốn đăng kí bổ sung tăng 28,4%. 

“Nguyên nhân cho hiện tượng này có thể là do các doanh nghiệp không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mà giữ lại tái đầu tư ở Việt Nam dưới dạng vốn bổ sung, có xu hướng cam kết hơn với các dự án đã được phát triển tại Việt Nam”, PGS.,TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR nhận định. 

Trong khi đó, vốn đăng ký mới giảm mạnh trong quý II có thể do niềm tin kinh doanh bị giảm tạm thời do cú shock COVID-19, nhưng với xu hướng cam kết sâu vào thị trường Việt Nam, các dự án mới có thể quay trở lại sau khi thế giới kiểm soát được bệnh dịch. 

“Đây là lúc cần xem xét lại các yếu tố về ưu đãi thuế với các doanh nghiệp FDI, loại bỏ các ưu đãi dư thừa để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh”, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thu hút lượng vốn FDI lớn nhất, với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,6 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 864,5 triệu USD, chiếm 10,3%. 

Xét về các đối tác có dòng vốn FDI mạnh mẽ nhất vào Việt Nam, trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD, chiếm 51,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc với 950,1 triệu USD, chiếm 11,3%; Đài Loan 775,2 triệu USD, chiếm 9,2%.

Với các diễn biến phức tạp gần đây trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, việc Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam nên được xem xét thận trọng, tránh để nước ta trở thành nước trung gian để Trung Quốc xuất khẩu sang các thị trường khác.