Vì sao nông sản sạch vẫn khó vào siêu thị?

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và số lượng, nhưng nhiều sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam vẫn chưa thể vào được kênh phân phối hiện đại. Một trong những nguyên nhân phải kể tới là chiết khấu mà phía siêu thị đưa ra quá cao, người sản xuất còn mù mờ thông tin, chưa chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác...

 Đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng nhưng nông sản vẫn khó vào siêu thị. Nguồn: Internet
Đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng nhưng nông sản vẫn khó vào siêu thị. Nguồn: Internet

Ông Phạm Văn Quynh, Giám đốc HTX sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh (Hưng Yên), cho hay sản phẩm cam của địa phương đã được trồng và phát triển trong vòng 10 năm và được xây dựng thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý khoảng hai năm nay. Tuy nhiên, cam Đồng Thanh vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị tại Hà Nội, mà chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái thu mua nhỏ lẻ.

Thiếu thông tin từ hai phía

Ông Quynh mong muốn sản phẩm của HTX có chứng nhận VietGAP, nếu siêu thị tạo điều kiện, việc đảm bảo các quy định về mẫu mã, bao bì không phải là vấn đề khó đối với HTX.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quân, HTX Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, cho biết sản phẩm nghệ sấy khô - tinh bột nghệ của HTX này vẫn đang tìm cách vào các kênh phân phối hiện đại.

Hiện nay, HTX Đại Hưng về cơ bản đã đáp ứng được đầy đủ các giấy tờ kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì, mẫu mã, sản phẩm có dán tem mã truy xuất nguồn gốc. Có thể nói là “hành trang” để vào kênh phân phối hiện đại đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà HTX gặp phải là làm thế nào để kết nối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

"Làm sao để chúng tôi có thể gặp, đàm phán ký kết hợp đồng với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, làm sao để họ tin tưởng nhập hàng của chúng tôi?", ông Quân băn khoăn.

Trong khi đó, đại diện HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu (Hưng Yên), cho hay hiện nay, sản lượng cam bình quân mỗi năm của HTX là 470-500 tấn, thời điểm thu hoạch chỉ diễn ra hơn hai tháng, tiêu chuẩn chất lượng đầy đủ, vì vậy HTX rất muốn tiếp cận các kênh phân phối hiện đại lớn.

Song, vấn đề hiện nay mà HTX còn vướng mắc là đóng gói, xây dựng bao bì nhãn mác theo đúng yêu cầu mà phía nhà phân phối hiện đại đưa ra. Chưa kể, do tên gọi của HTX là Quảng Châu - giống một tỉnh của Trung Quốc, nên nhiều người dễ lầm tưởng cam có xuất xứ từ Trung Quốc, e ngại về sức tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, ông Phan Văn Tuân, Giám đốc HTX Trần Phú (Bắc Kạn), bày tỏ băn khoăn hiện nay sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu mà phía nhà bán lẻ đưa ra, liệu rằng siêu thị có đến tận nơi thu mua và tự vận chuyển về hay không?

Liên quan đến những băn khoăn này, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C, cho biết: Đây là những khó khăn chung mà nhiều HTX đang gặp phải. Việc đưa hàng vào siêu thị phải trải qua nhiều quy trình, trong đó khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định, nhiều HTX không chuẩn bị hồ sơ kỹ càng đã bị loại ngay từ vòng này.

Theo bà Linh, có HTX dù đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, thủ tục nhưng 3 - 4 năm vẫn không đưa được hàng vào được Big C vì không đáp ứng được thủ tục mà phía siêu thị đưa ra. Dù có đầy đủ chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm nhưng các HTX cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Có HTX nộp hồ sơ, trong đó có chứng nhận VietGAP cho cam, bưởi nhưng sản phẩm chào bán lại là chanh thì không được chấp nhận.

Hay như trường mà HTX Trần Phú băn khoăn rằng siêu thị có đến tận nơi vận chuyển sản phẩm về hay không, bà Linh cho biết Big C không thể đến tận nơi sản xuất để vận chuyển hàng về kho được, các doanh nghiệp (DN), HTX phải mang hàng về kho, sau đó siêu thị tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm tại kho.

Chiết khấu quá cao

Theo ông Nguyễn Cao Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, việc hàng hóa nông sản chưa vào được siêu thị cần nhìn dưới hai góc độ, một là các HTX thiếu thông tin do các siêu thị không chủ động cung cấp, hai là chất lượng hàng hóa có vấn đề, chưa đạt tiêu chuẩn. Đây là mấu chốt cần phải giải quyết.

Cùng với đó, một trong nhiều vấn đề mà nông sản sạch chưa thể vào được siêu thị là mức chiết khấu mà phía nhà bán lẻ đưa ra quá cao. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%. Trong đó, rào cản lớn nhất với mặt hàng này là chính sách chiết khấu còn quá cao.

Một số siêu thị lớn, có thế mạnh về đàm phán, đưa ra mức chiết khấu lên tới 20-30%, chưa kể những chi phí không chính thức khác, o ép nhà cung ứng, trong khi nhà cung ứng không dám lên tiếng. Có tình trạng 10 nhà cung ứng gửi rau vào siêu thị nhưng chỉ một, hai đơn vị chấp nhận mức khấu mà phía siêu thị đưa ra.

Hậu quả của vấn đề này làm hạn chế khả năng tiếp cận nông sản sạch của người tiêu dùng, đồng thời do giá chiết khấu cao nên giá bán bị đẩy lên theo. Đây là tin xấu đối với hàng Việt Nam nhưng lại là tin mừng đối với các đối thủ nước ngoài đang bán sản phẩm trong một siêu thị. Bên cạnh đó, khó khăn này còn triệt tiêu sản xuất chân chính.

"Nông nghiệp công nghệ cao là phục vụ cho người tiêu dùng trong nước nhưng thử hỏi bao nhiêu người tiêu dùng trong nước tiếp cận được với rau sạch? Độc quyền trong bán lẻ là có, họ đang ép cả nhà cung ứng và người tiêu dùng", ông Phú nhấn mạnh.

Để giải quyết câu chuyện chiết khấu, ông Phú cho rằng cần xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản. Đồng thời hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận các DN, hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị nói chung và siêu thị nước ngoài nói riêng. Ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như: phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số…, chiết khấu.

Trong các khâu tổ chức nguồn hàng cung ứng cho hệ thống siêu thị và các chợ hiện nay, các địa phương mới chỉ đảm nhiệm từ 40 - 60% lượng hàng tại chỗ, còn lại phải phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa ở các tỉnh khác. Trên thực tế, nhiều cuộc liên kết, xúc tiến thương mại đã được tổ chức song hiệu quả chưa cao; thiếu chuỗi sản xuất - phân phối được tổ chức chặt chẽ để đến tay người tiêu dùng, giảm rủi ro về giá và vệ sinh an toàn thực phẩm.