Vì sao Viettel, VNPT, FPT bị phản đối tham gia truyền hình cáp?

Mạnh Chung

Cốt lõi sau những công văn mà VTV, VCTV, SCTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam… đồng loạt gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, kiến nghị không cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (cáp) cho Viettel, VNPT và FPT là gì?

Vì sao Viettel, VNPT, FPT bị phản đối tham gia truyền hình cáp?
Trong công văn gửi các đơn vị quản lý, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… có phân tích và đưa ra những lập luận của riêng mình.

Nhìn chung, lý do để “không cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (cáp) cho Viettel, VNPT và FPT” là, do các tập đoàn này đầu tư ngoài ngành, là sự lãng phí quá lớn về tiền của, ngân sách Nhà nước, không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình…

“Miếng bánh” còn lớn

Thực ra, nhiều người sẽ không khó để nhận biết phía sau những công văn của VTV, VCTV, SCTV… đang là những lo ngại về cạnh tranh thị phần đối với “miếng bánh” truyền hình trả tiền.

VTV hiện là đơn vị sở hữu thị phần truyền hình cáp lớn nhất, với hai “công ty con” là SCTV và VCTV. Riêng với SCTV, công ty này cho biết hiện có hơn 2 triệu thuê bao truyền hình kỹ thuật số, tương đương khoảng 60% thị phần. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, gồm cả truyền hình cáp (chiếm phần lớn), truyền hình IPTV, vệ tinh…

Trong công văn kiến nghị, VTV cho rằng, “thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam tương đối nhỏ, tốc độ phát triển thuê bao mới đang có xu hướng chậm lại”. Tuy nhiên, với số thuê bao truyền hình trả tiền (cáp) hiện có, cũng như nhìn trong tổng thể chiến lược trong quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến 2020 mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, thì thị phần cho “miếng bánh” truyền hình trả tiền vẫn còn rất lớn.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2015 sẽ phát triển khoảng 30-40% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng hơn 6,4 triệu thuê bao). Đến năm 2020 là 60-70% số hộ gia đình, tương đương khoảng 14,2 triệu thuê bao. Đáng chú ý, trong quy hoạch phát triển này, nhiều ý kiến đưa ra, truyền hình cáp sẽ được tập trung phát triển và chiếm tới 70% thị phần truyền hình trả tiền.

Nhìn thấy tiềm năng, nên nhiều tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn nhất như Viettel, VNPT hay FPT đều đặt tham vọng và lên kế hoạch tham gia vào thị trường này. 

Rõ ràng nhất là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Tháng 5/2012, tập đoàn này đã nộp hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặc dù chưa chính thức được Bộ chấp thuận, nhưng nguồn tin của VnEconomy cho biết, thời gian qua và hiện tại, Viettel vẫn đang “âm thầm” chuẩn bị đội ngũ nhân sự để phát triển lĩnh vực truyền hình.

“Tiềm năng thị trường truyền hình trả tiền còn rất lớn và mục tiêu của Viettel là mang truyền hình cáp đến tất cả các hộ gia đình”, đã nhiều lần ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel thẳng thắn chia sẻ tham vọng của tập đoàn này như vậy. Có thể nói, với tham vọng trên và những bước chuẩn bị của mình, việc Viettel tiến vào địa hạt truyền hình trả tiền, trong đó, trụ cột chính là truyền hình cáp, được nhìn nhận chỉ còn là vấn đề thời gian.

Lãnh đạo một tập đoàn viễn thông lớn thì cho rằng, thực tế, truyền hình cáp cũng là một cấu thành của mạng viễn thông, bởi bản thân các công ty trên thế giới làm viễn thông đều xác định tích hợp vào (cung cấp dịch vụ truyền hình cáp). Công ty chỉ là người truyền dẫn, không làm ra nội dung, đây là sự hợp tác giữa người làm nội dung và người làm truyền dẫn để làm sao đưa thông tin đến cho mọi người.

“Vì thế, nói nhà mạng làm truyền hình cáp là đầu tư ngoài ngành là không đúng”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Ông cũng lập luận, các doanh nghiệp viễn thông dùng công nghệ, có mạng lưới, có hạ tầng để đem nội dung của các nhà cung cấp nội dung như VTV, VTV, SCTV…  đến đông đảo với người tiêu dùng hơn, với công nghệ cao hơn, khả năng tương tác tốt hơn, "thì tội gì lại kìm hãm phát triển?". Vì thế, theo ông, những lập luận của các đơn vị truyền hình chỉ là để hạn chế cạnh tranh thị trường và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Ai lợi thế hơn?


Về kinh nghiệm sản xuất và tổ chức nội dung, VTV, VCTV, SCTV… rõ ràng đã có sẵn một nền tảng làm truyền hình, về bộ máy tổ chức sản xuất nội dung, thị phần, nguồn nhân lực. 

Tuy nhiên, phó giám đốc một nhà đài lớn cho rằng, phần lớn nội dung truyền hình trả tiền hiện nay là do các nhà cung cấp dịch vụ hợp tác với các công ty, đơn vị sản xuất nội dung làm, vì thế, về lý thuyết, nhà cung cấp dịch vụ nào cũng có thể có được nội dung chương trình truyền hình mà mình mong muốn.

“Nhưng, chương trình giải trí (một trong những nội dung chủ đạo của truyền hình trả cáp) mà trong nước sản xuất thì không được hấp dẫn lắm. Còn những kênh truyền hình được gọi là hay thì chủ yếu nội dung, cụ thể là “nguyên vật liệu” làm ra nội dung chương trình của kênh đó lại chủ yếu là… nhập ngoại”, vị này giải thích thêm về cơ hội gia nhập truyền hình trả tiền của các đơn vị mới.

Có lẽ, mấu chốt còn ở chỗ, do truyền hình trả tiền cũng là một “cuộc chơi” tốn tiền và còn đang ở giai đoạn đầu phát triển nên sẽ cần một tiềm lực tài chính mạnh để phát triển lâu dài và tiến tới chiếm lĩnh vững chắc về thị phần. Về phần này, với quy mô phát triển hiện nay, VNPT, Viettel hay FPT xem ra có lợi thế hơn nhờ có nguồn thu lớn từ các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông để “chống lưng” cho cuộc chơi truyền hình.

Khi có lợi thế về nguồn tài chính, tất yếu sẽ có thế về cạnh tranh giá cả dịch vụ. Cách đây chưa lâu, Tổng giám đốc Viettel, Trung tướng Hoàng Anh Xuân từng nói, Viettel sẽ phát triển truyền hình cáp để người nghèo nhất cũng có thể xem được.

Viettel chưa đưa ra con số cụ thể về mức giá trong kế hoạch “cuối năm 2012 sẽ chính thức cũng cấp dịch vụ truyền hình cáp” nhưng dự kiến mức cước “bình dân hóa” chỉ vài chục nghìn.

Trong khi đó, giá dịch vụ truyền hình của các đơn vị truyền hình cáp trên trong những năm qua đã liên tục tăng. Gần đây nhất là VCTV đã công bố tăng giá thuê bao từ 88.000 lên 110.000 đồng/tháng (tăng 25%) bắt đầu từ ngày 1/9/2012. Chưa kể, thời gian qua, các đơn vị truyền hình cáp cũng liên tục bị khách hàng kêu là chất lượng hình ảnh chưa cao, thường xuyên mất cáp, quảng cáo tràn lan… Như vậy, về giá cước thuê bao, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thu hút người dùng thì các công ty truyền hình cáp xem ra cũng thất thế.

Còn một yếu tố nữa mà có lẽ, các nhà cung cấp truyền hình cáp hiện nay cũng lo ngại, đó là về hạ tầng công nghệ cung cấp dịch vụ.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành truyền hình phân tích, khi Viettel, VNPT và FPT tham gia vào truyền cáp, thì lợi thế về hạ tầng mạng cáp quang sẽ hơn công nghệ cáp đồng chủ yếu hiện nay của các nhà cung cấp truyền hình cáp, vì thế chất lượng hình ảnh, âm thanh cũng sẽ “ăn đứt” chất lượng của chất lượng của công nghệ cáp đồng.

Vị chuyên gia này cho rằng, đặc biệt như Viettel, với hạ tầng 200.000 km cáp quang trên toàn quốc có sẵn hiện nay và độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc còn cách là 350 m, và sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200 m, thì thế mạnh về công nghệ sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho các nhà mạng trong việc cạnh tranh về chất lượng nội dung, cụ thể là chất lượng hình ảnh và âm thanh của chương trình truyền hình.

Với những lợi thế so sánh trên, xem ra, cuộc cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền tới đây có thể sẽ có những thay đổi lớn.