Việt Nam cần tận dụng cơ hội để phát triển

Theo PV/sggp.org.vn

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ý kiến của một số chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực cần nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển.

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực cần nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển.
Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực cần nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển.

* Ông NICOLAS AUDIER, Chủ tịch EuroCham 

Ông Nicolas Audier.
Ông Nicolas Audier.

Khai thác tiềm năng từ EVFTA

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam thông qua, một trong những FTA đầy tham vọng và toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU với một quốc gia đang phát triển, sẽ chính thức đi vào thực thi. Trong thời gian thực hiện kéo dài một thập niên, EVFTA sẽ loại bỏ gần 99% các dòng thuế, rào cản thương mại và mở cửa thị trường ở cả hai phía.

Điều này sẽ giúp các công ty Việt Nam có quyền thâm nhập vào thị trường tiêu dùng lớn và có giá trị cao ở châu Âu, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận tốt hơn với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của châu Âu.

Mặt khác, các nhà đầu tư châu Âu sẽ tiếp cận tốt hơn với nền kinh tế tăng trưởng nhanh đầy hấp dẫn của Việt Nam.

Một khi EVFTA có hiệu lực, thách thức đối với cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ là đảm bảo việc triển khai suôn sẻ và hiệu quả. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải làm việc cùng nhau để xác định và vượt qua các rào cản cũng như nâng cao nhận thức về các quy định của EVFTA giữa các doanh nghiệp địa phương.

Tôi tin rằng, cả hai bên có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận này để xây dựng mối quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ hơn giữa châu Âu và Việt Nam.

* Tiến sĩ NGUYỄN THANH MỸ Việt kiều Canada, Tổng Giám đốc Công ty CP Rynan Smart Fertilizers 

TS. Nguyễn Thanh Mỹ
TS. Nguyễn Thanh Mỹ

Chọn công nghệ 4.0 phù hợp năng lực phát triển vùng

Nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay. Riêng đối với Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, dựa vào điều kiện khí hậu, sản phẩm đặc thù, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, trình độ lao động… nên lựa chọn mô hình, công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất.

Trong đó, những ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở nước ta có thể kể đến như: chăn nuôi bò sữa, heo, gà, tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả, nấm ăn, nấm/cây dược liệu, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu…

Các ngành hàng này đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0: tự động hóa, sử dụng robot, ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh. 

Chúng ta đã nói quá nhiều về công nghệ cao, công nghệ 4.0 nhưng nếu chúng ta không gắn cụ thể vào thực tế của vùng để có những bước đi rõ ràng, thì đó sẽ mãi là những câu chuyện xa vời.

Thậm chí, đối với nông dân là chủ thể chính của nông nghiệp 4.0 sẽ thờ ơ không quan tâm, vì cho rằng đó là những thứ ngoài tầm với, không phải nhiệm vụ của họ. Hay việc chúng ta không cần phải tốn những khoản tiền khổng lồ để thuê chuyên gia nước ngoài, mua những máy móc tối tân mà chính các kỹ sư, nông dân ĐBSCL trong vùng hoàn toàn có đủ năng lực thực hiện được những ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. 

* Ông NGUYỄN NHƯ NAM, Công ty CP Vietnam Travel Mart

Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng

Việt Nam đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Du lịch phát triển kéo theo các ngành thương mại, thủ công mỹ nghệ, sản xuất hàng hóa, kinh doanh thực phẩm, ăn uống, dịch vụ vận chuyển, làng nghề… phát triển. Du lịch thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế đất nước cũng như địa phương.

Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; cần quy hoạch chuỗi sản phẩm du lịch trên toàn lãnh thổ tránh trùng lắp giữa các địa phương; khai thác sản phẩm thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, nhất là các sản phẩm du lịch gắn liền văn hóa dân tộc thu hút nguồn khách quốc tế yêu mến con người Việt Nam và nền văn hóa giàu bản sắc. Tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên nhiều phương tiện, hình thức tiếp cận, nhất là dựa vào nền tảng công nghệ thông tin, mạng xã hội.

Ngoài việc xây dựng hệ thống sản phẩm đặc sắc, phong phú và đa dạng, việc đầu tư cho chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch là vô cùng quan trọng. Một điểm đến dù có giá trị đến đâu nhưng nếu dịch vụ kém, con người phục vụ du khách kém thì cũng sẽ tạo ấn tượng xấu trong lòng du khách. Đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng chính là đầu tư cho sự phát triển du lịch bền vững, đủ sức cạnh tranh với những điểm đến nổi tiếng, trước hết là các điểm đến trong khu vực ASEAN.