Vinatex dồn dập thoái vốn ngoài ngành

Theo VIR

Sau khi bán cổ phần tại Công ty cổ phần Dệt may Đông Á, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tiếp tục thoái vốn tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Cơ khí may Gia Lâm.

Toàn bộ số cổ phần của Vinatex tại hai đơn vị này sẽ được đưa ra bán đấu giá vào ngày 28/12/2012 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Việc bán hết cổ phần tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi là một trong những phần việc mà Vinatex bắt buộc phải làm, bởi Tập đoàn đang thiếu vốn đầu tư cho ngành nghề chính là may, dệt nhuộm hoàn tất… Với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, Vinatex kỳ vọng, sẽ nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mua lại tổng số 1.666.667 cổ phần góp tại doanh nghiệp này.

Không dừng ở việc thoái vốn tại những lĩnh vực không liên quan đến ngành nghề cốt lõi của Vinatex, ngay cả số cổ phần được xem là nhỏ (20.700 cổ phần mệnh giá 100.000 đồng) mà Tập đoàn góp tại doanh nghiệp phụ trợ (Công ty cổ phần Cơ khí may Gia Lâm) cũng được bán đấu giá với giá khởi điểm 170.000 đồng/cổ phần.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trì trệ kéo dài, giá nhiều cổ phiếu vẫn ở mức thấp, tiến độ thoái vốn dồn dập của Vinatex cho thấy sự khẩn trương và quyết tâm của doanh nghiệp này trong nỗ lực thu hồi nguồn vốn, để tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn tại các dự án cốt lõi (sợi, dệt, nhuộm, may mặc…).

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với thực tế của thị trường hiện nay, để việc thoái vốn diễn ra nhanh chóng, chỉ còn cách là bán cổ phần với giá thấp. Như vậy, việc thoái vốn sẽ khó đi đôi với việc bảo toàn vốn nhà nước. Rõ ràng, dù rất quyết tâm, nhưng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không chỉ của Vinatex, mà của nhiều tập đoàn khác đều đang gặp khó khăn.

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex cũng thừa nhận, mục tiêu bảo toàn phần vốn nhà nước đang làm khó kế hoạch thoái vốn tại các dự án đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn. Cuối tháng 5/2012, trong phiên đấu giá 1.484.550 cổ phần tại Công ty cổ phần Dệt may Đông Á, với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phần, Vinatex chỉ bán được hơn nửa; số còn lại (659.550 cổ phần) đã được thông báo bán tiếp trong tháng sau đó (tháng 6/2012).

Theo ông Trường, so với các tập đoàn kinh tế khác, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của Vinatex rất nhỏ: 259 tỷ đồng trên số vốn nhà nước gần 4.000 tỷ đồng. Vinatex đang nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 4 công ty, giữ trên 50% vốn điều lệ tại 13 công ty và có dưới 50% vốn điều lệ tại 48 công ty.

Sau Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Cơ khí may Gia Lâm, năm 2013, Vinatex tiếp tục thoái vốn tại 1 công ty chứng khoán, 7 ngân hàng và các lĩnh vực còn lại. Kế hoạch này cũng được nhận định là khó thuận lợi trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu khởi sắc và lĩnh vực ngân hàng - tài chính đang gặp khó khăn.

“Dù khó đến đâu, Vinatex vẫn phải thoái hết phần vốn này trước thời điểm ngày 31/12/2015 theo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt tại Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Trường khẳng định.