Vốn khởi nghiệp sáng tạo chưa thông

Theo Trung Hiếu - Lê Xuân/baodauthau.vn

Trong 10 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, chỉ có 1 DN “sống sót”. Điều này cho thấy, họ rất cần những chính sách hỗ trợ, chia sẻ rủi ro ngay từ những bước đi đầu tiên.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Mặc dù thị trường hiện có nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, từ Nhà nước, từ khu vực tư nhân..., tuy nhiên, DN khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang gặp muôn vàn khó khăn trong tiếp cận các kênh vốn này. 

Khó tiếp cận vốn, vì đâu?

Theo một DN startup lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, Chính phủ đã mở ra một số cơ chế chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai, DN lại khó tiếp cận. Cơ chế đã thông thoáng, nhưng sự chỉ định của cấp có thẩm quyền lại bó hẹp. Nếu không tháo gỡ được nút thắt này thì hoạt động tiếp cận vốn gặp rất nhiều khó khăn.

DN này cũng thẳng thắn chia sẻ rằng: “Đúng là chúng tôi cần vốn để khởi nghiệp, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ, song chúng tôi không vay, thậm chí chúng tôi từ chối. Lý do lớn nhất là mất nhiều thời gian và chi phí, vì thực sự rất khó tiếp cận. Chẳng hạn như, theo các quy định tín dụng hiện hành, nếu DN muốn vay tiền bắt buộc phải có tài sản thế chấp. Nhưng chúng tôi làm startup nông nghiệp, tài sản không có gì, chỉ có máy móc nhưng giá trị không cao, còn quỹ đất là đất rừng trả tiền hàng năm..., do đó không đủ để thế chấp. Như vậy, DN lúc nào cũng luẩn quẩn với bài toán “con gà - quả trứng”.

So sánh cơ chế huy động vốn trong nước và nước ngoài, một DN startup khác cho biết, các kênh dẫn vốn ở nước ngoài như Singapore, Mỹ hay những quốc gia khác thường dễ tiếp cận hơn, và thực tế có nhiều DN đã thành công. Nhiều trường hợp, ngoài tiếp cận nguồn vốn ngoại, DN còn nhận được sự cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhưng nếu cứ mãi duy trì như thế, nguy cơ “chảy máu chất xám” của Việt Nam là rất lớn. Ứng dụng Flappy Birds của Nguyễn Hà Đông là một trường hợp điển hình.

Ngoài khó khăn về vốn, nhiều ý kiến cho rằng, DN khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều hạn chế về kỹ năng quản trị, tuyên truyền, quảng bá về dự án khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với các bên liên quan để gọi vốn, bao tiêu sản phẩm...

Theo ông Jouko Ahvenainen, chuyên gia quốc tế của Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2), thị trường tài chính dành cho giai đoạn đầu khởi nghiệp sáng tạo rất đa dạng với nhiều loại hình như: khoản vay tài trợ xuất khẩu, hỗ trợ nguồn cung, hỗ trợ giao dịch, các mô hình công cụ chuyển đổi tài chính, tài trợ cá nhân, các công ty đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý quỹ... Rõ ràng nguồn tiền không thiếu, nhưng DN khởi nghiệp sáng tạo và các đơn vị hỗ trợ tài chính chưa có tiếng nói chung, vì nhà tài trợ chưa thể đánh giá mức độ rủi ro, tiềm năng của các dự án hay ý tưởng khởi nghiệp do họ thiếu thông tin. 

Cần cơ chế chia sẻ rủi ro

Đưa ra khuyến nghị đối với Chính phủ, ông Jouko Ahvenainen cho rằng, Chính phủ cần sớm hoạch định chính sách, cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo một cách rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận, cũng như cung cấp các dữ liệu đáng tin cậy và có tính dự báo cho các nhà đầu tư để họ có thể giải ngân cho DN.

Theo chuyên gia này, Chính phủ cần chia sẻ rủi ro với DN khởi nghiệp sáng tạo. Đầu tư không phải vì mục đích lợi nhuận do DN đó mang lại, mà phải hướng tới tác động tổng thể lên nền kinh tế. Hiệu quả phải đo lường được thông qua một bộ tiêu chí đo lường cụ thể. Nhà nước không chỉ đầu tư trực tiếp, mà còn phải hỗ trợ DN thông qua việc xây dựng hệ sinh thái, môi trường đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Để hỗ trợ cho DN startup, không chỉ có vốn, mà còn hỗ trợ đào tạo, bán hàng, thay đổi kỹ năng, tiếp cận công nghệ, nâng cao nhận thức... và kết nối các bên có liên quan. Vốn của Nhà nước chỉ là “vốn mồi”, quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các bên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác được với nhau, chứ không chỉ dừng lại ở hợp tác công tư, bỏ tiền giúp DN bán sản phẩm này hay sản phẩm kia.

Trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng, cần tháo gỡ nút thắt về quy định bảo toàn vốn ngân sách nhà nước khi đầu tư vào DN startup. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay gần như chưa có địa phương nào triển khai thực hiện, do vướng quy định về bảo toàn vốn ngân sách của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Chính phủ cũng phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Có như vậy mới khuyến khích được các địa phương tăng cường, bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ DN “cất cánh”. Tùy vào tình hình ngân sách, địa phương có thể tận dụng những quỹ đầu tư hiện có để đối ứng cho những dự án startup đã được sàng lọc.

Bà Phan Hoàng Lan - Trưởng nhóm nghiên cứu IPP 2 đề xuất, Chính phủ cần có cơ chế bao tiêu sản phẩm cho DN startup. Chúng ta cần cụ thể hóa quy định này vào Luật Đấu thầu khi các cơ quan nhà nước tổ chức mua sắm công, thay vì yêu cầu DN là nhà thầu phải đáp ứng một số năm kinh nghiệm, năng lực tài chính, số hợp đồng đã thực hiện... như hiện nay.