Vốn rẻ chậm tới doanh nghiệp

Theo Đầu tư

Mặc dù các ngân hàng vẫn ra sức tiếp thị vốn vay với lãi suất ưu đãi, song trong bối cảnh hiện nay, không dễ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này, bởi mối lo lớn nhất của ngân hàng vẫn là nợ xấu gia tăng.

Trần cho vay với lãi suất 15%/năm không còn được xem là mức thấp nhất, khi NHNN vừa cắt thêm 1%/năm đối với lãi suất huy động tiết kiệm và dự báo lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới để giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều nhà băng cũng đã về mức 13 - 14%/năm. Chẳng hạn tại BIDV, Vietcombank, Eximbank… lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu chỉ còn 13 – 14%/năm. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại có vốn khả dụng dôi dư cũng công bố mức lãi vay chỉ còn 14 – 15%/năm.


Mặt khác, tăng trưởng tín dụng tiếp tục thụt lùi. Trong khi đó, thanh khoản của ngân hàng, nhất là với các nhà băng lớn đã được cải thiện đáng kể so với đầu năm 2012. Thế nhưng, cho tới nay,vốn giá rẻ vẫn khó tới được tay các doanh nghiệp.


Ngược lại, phía doanh nghiệp cho rằng, khi nợ xấu của ngành chưa được xử lý, thì các nhà băng ngày càng thận trọng hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận được vốn có giá rẻ. Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Bình Dương cho biết, không dễ vay vốn lãi suất 15 – 16%, dù bản thân doanh nghiệp này làm xuất khẩu.


Ông Nguyễn Đình Tùng, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, lãi suất cho vay tại OCB tương đối cạnh tranh, với mức 17%/năm áp dụng cho tiền đồng và 6 – 6,5%/năm cho doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ. Trong khi, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ, nên khó đáp ứng các điều kiện tín dụng.


Tại Eximbank, HDBank, lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu được chào ở mức 13 – 14%/năm. Thế nhưng, theo lãnh đạo của các nhà băng trên, rất khó để tìm được khách hàng đáp ứng đủ điều kiện tín dụng để cho vay.


Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 5/2012 vẫn âm 0,2%. Thế nhưng, theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank, ngân hàng sẽ không bằng mọi giá để tăng dư nợ.


Ông Phước cho rằng, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn, nhưng có hai trường hợp, khi thị trường yếu kém, hàng tồn kho gia tăng, các doanh nghiệp tốt chưa muốn vay, ngược lại, ngân hàng lại rất thận trọng với doanh nghiệp có khả năng trả nợ yếu.

Do đó, lý giải được đưa ra từ các nhà băng là, lãi suất cho vay hiện không phải là yếu tố quyết định tất cả đối với doanh nghiệp và ngân hàng trong cho vay. Quan trọng hơn là, phải khơi thông được đầu ra cho sản phẩm, mới có thể khơi thông dòng chảy tín dụng và nền kinh tế hấp thu được vốn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB lại cho rằng, lãi suất cho vay bình quân của trên toàn hệ thống vẫn nằm trên ngưỡng 17%/năm, chứ không phải 14 - 15% như tuyên bố của NHNN. Vì vậy, theo ông Kiên, cần tiếp tục thực hiện chủ trương hạ lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN cần kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động và cho vay trên thực tế của các ngân hàng thương mại. “Tôi vẫn giữ quan điểm, có thể đến cuối năm, trần lãi suất huy động tiết kiệm VND cần phải giảm xuống dưới 10%/năm”, ông Kiên nói.


Tại ACB lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp cũng từng bước được điều chỉnh giảm. Trong đó, với doanh nghiệp tốt có dự án khả thi, lãi suất ACB áp dụng chỉ còn trên dưới 16%/năm.


Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế TP.HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trần lãi suất huy động phải tiếp tục giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm trên cơ sở lạm phát được kiểm soát ở mức kỳ vọng. Ông Ngân cho rằng, khi lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức kỳ vọng 9%, thì lãi suất huy động ở mức 8 - 9%/năm là hợp lý.


Tuy nhiên, ông Ngân cũng đồng tình với quan điểm, không thể đẩy tín dụng tăng trưởng bằng mọi giá, bởi nguyên nhân khiến tình trạng tín dụng thụt lùi hiện nay chính là nợ xấu tiếp tục có nguy cơ gia tăng.