Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA

Tô Hiến Thà, Học viện Kỹ thuật Quân sự/tapchicongthuong.vn

EU được coi là thị trường trọng điểm thứ hai của nông sản xuất khẩu Việt Nam, trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có rất nhiều nông sản có lợi thế. Trong bối cảnh tham gia EVFTA, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội, cũng như các thách thức lớn. Trong bài viết này, tác giả sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA, từ đó, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản một cách bền vững trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững

Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển hài hòa cả về 3 mặt kinh tế - xã hội - môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của thế hệ hiện tại, nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ trong tương lai.

Theo Hồ Trung Thanh (2009), xuất khẩu bền vững là sự duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu ngày càng được nâng cao, góp phần tăng trưởng và ổn định kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Còn trong nghiên cứu của Nguyễn Hồng Cử (2010) về phát triển nông sản xuất khẩu theo hướng bền vững, tác giả đưa ra 5 quan điểm: (1) đáp ứng được yêu cầu chung của phát triển bền vững (PTBV), hài hòa giữa 3 mặt của PTBV; (2) đáp ứng những yêu cầu cơ bản của phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; (3) phù hợp với đặc điểm của vùng diễn ra hoạt động sản xuất nông sản xuất khẩu; (4) phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của nhà nước; (5) phù hợp với bối cảnh và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế;...

Nội dung của xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững, theo Nguyễn Hồng Cử (2010) có thể bao gồm các khía cạnh như sau:

Bền vững về kinh tế: duy trì hoặc gia tăng lợi ích kinh tế xã hội tổng thể trong dài hạn, tập trung chủ yếu vào việc tạo ra lợi ích ròng bền vững trong sản xuất nông sản xuất khẩu và phân phối hợp lý lợi ích giữa các thành viên tham gia sản xuất nông sản xuất khẩu. Một số chỉ tiêu có thể đo lường bao gồm: tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Bền vững về môi trường sinh thái: giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu nông sản và bảo vệ môi trường, tránh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Bền vững về mặt xã hội: duy trì và nâng cao phúc lợi kinh tế, xã hội cho người dân trong hệ thống sản xuất nông sản xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

2. EVFTA và các cam kết liên quan đến xuất khẩu nông sản

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là 2 FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 26/6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Hai Hiệp định đã được ký kết vào 30/6/2019. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Trong tiến trình phê chuẩn 2 Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực.

Theo cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của EU, EU xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 9,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, (bao gồm số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Bên cạnh đó, EVFTA bao gồm một chương khá toàn diện về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm một số nội dung quan trọng như:

Cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các Công ước của ILO (không chỉ các Công ước cơ bản), các Hiệp định Đa phương về Môi trường mà mỗi Bên đã ký kết/gia nhập;

Cam kết gia nhập/ký kết các Công ước cơ bản của ILO mà mỗi Bên chưa tham gia;

Cam kết sẽ không vì mục tiêu thu hút thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu cầu hoặc phương hại tới việc thực thi hiệu quả các luật về môi trường và lao động trong nước;

Thúc đẩy Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp, có dẫn chiếu tới các thông lệ quốc tế về vấn đề này;

Một điều khoản về biến đổi khí hậu và các cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học (bao gồm động thực vật hoang dã), rừng (bao gồm khai thác gỗ bất hợp pháp), và đánh bắt cá...

3. Thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam

EVFTA là cánh cửa rộng cho nông sản XK bởi từ khi có hiệu lực, tổng trị giá XK nông sản sang Liên hiệp châu Âu (EU) đã tăng tới 32,4%. Từ năm 2010 đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn ở mức cao, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng từ 10,6 tỷ USD năm 2010 lên 18,7 tỷ USD năm 2018 (tăng trưởng bình quân 7,9%/năm). Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong bối cảnh thương mại nông sản thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp với những biến động khó lường, quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn trở nên căng thẳng, chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại, xuất khẩu nông sản vẫn duy trì được kết quả tích cực trong năm 2018.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam

Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

Trong số các mặt hàng nông sản, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh và đều qua các năm như hạt điều, nhóm hàng rau quả, cà phê, cao su,... riêng mặt hàng gạo có tăng trưởng âm trong giai đoạn 2012 - 2016 và tăng trở lại vào giai đoạn  2016 - 2018. 

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản chính của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2018

Đơn vị: Triệu đô la Mỹ

Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA - Ảnh 2
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

 Xét về giá trị nông sản xuất khẩu, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã tăng mạnh trong năm 2017 và có xu hướng giảm trong năm 2018. Điều này cho thấy sự thiếu bền vững trong giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ba mặt hàng có giá xuất khẩu tăng là gạo (giá xuất khẩu trung bình đạt 501,0 USD/tấn, tăng 10,7%), chè (giá xuất khẩu trung bình đạt 1.710,7 USD/tấn, tăng 5,0%) và sắn và các sản phẩm từ sắn (giá xuất khẩu trung bình đạt 394,9 USD/tấn, tăng 49,8%).

Nhiều mặt hàng nông sản chính của Việt Nam có vị thế xuất khẩu lớn trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2017, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng vị trí thứ ba trên thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, cơ cấu gạo xuất khẩu đã có bước chuyển biến tích cực khi tỷ lệ gạo thơm, gạo chất lượng đang tăng cao.

Đối với sản phẩm cà phê xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là hạt cà phê xanh chưa rang, chiếm tới hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu, hay nói cách khác là xuất khẩu thô. Rau quả là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây và cũng là mặt hàng mà Việt Nam đã có nhiều thành công trong mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, một số mặt hàng như tiêu, điều xếp vị trí thứ nhất về giá trị xuất khẩu trên toàn thế giới, cho thấy nỗ lực của nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới. 

Bảng 2. Vị thế xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản chính của Việt Nam năm 2017

Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA - Ảnh 3
 Nguồn: UNCOMTRADE, 2019

Theo World Bank (2016), sự phát triển theo chiều rộng và chiều sâu của nông nghiệp Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Một phần hiện tượng này liên quan đến thực tế sử dụng quá nhiều vật tư đầu vào và sử dụng lãng phí nước như đã nêu trên. Môi trường xuống cấp dưới nhiều hình thức tại các vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Ví dụ, mở rộng nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dẫn đến phá hủy rừng ngập mặn trên diện rộng và gây ra ô nhiễm nguồn nước. Theo hình thức nuôi thâm canh, nông dân thường sử dụng quá nhiều hóa chất và thuốc kháng sinh cho các đầm nuôi tôm với mật độ quá cao. Chất thải từ các đầm tôm cũng chứa một lượng lớn chất thải hữu cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngọt lân cận và các vùng nước ven biển.

Mở rộng canh tác cà phê và cao su tại Tây Nguyên cũng đóng góp nhiều vào việc phá hủy rừng, làm mất đa dạng sinh học và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Chăn nuôi phát triển nhanh nhưng cũng đóng góp nhiều vào ô nhiễm nguồn nước và phát thải  khí nhà kính (GHG). Thâm canh lúa làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước, tổn hại tới đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính. Bảng 3 tóm tắt các điểm nóng về nông nghiệp - môi trường tại Việt Nam - các loại hàng hóa, địa bàn và cảnh quan đang bị đe dọa bởi các vấn đề môi trường ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng.

Cũng theo nghiên cứu của World Bank (2016), nguyên nhân khiến cho tác động của môi trường đến nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng là do thất bại từ chính sách và quản lý của Nhà nước; thất bại thị trường và sự thiếu hụt kiến thức và thông tin. Định hướng chính sách đã khuyến khích mở rộng diện tích, tăng thâm canh, tăng cường sử dụng vật tư và các yếu tố khác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, Nhà nước tìm cách bảo vệ nông dân nhưng lại không quan tâm bảo vệ môi trường. Về phía người sản xuất lại không phải trả đầy đủ khoản chi phí tài nguyên mà họ sử dụng. Bên cạnh đó, kiến thức về nông nghiệp xanh tại Việt Nam đang dần hình thành nhưng vẫn còn hạn chế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2018, tỷ trọng lao động đang làm việc trong ngành sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tới 37,7%. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ đóng góp 14,48% vào GDP. Điều này dẫn đến tình trạng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế. Tuy vậy, tốc độ tăng NSLĐ lại ổn định và cao nhất, kể cả trong giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô 2009 - 2013.

Đến năm 2018, NSLĐ ngành Nông nghiệp theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ. Trong các nước ASEAN, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Ma-lai-xi-a gấp 11,9 lần mức NSLĐ của Việt Nam; In-đô-nê-xi-a gấp 2,4 lần; Thái Lan gấp 2,1 lần và Phi-li-pin gấp 1,8 lần (Tổng cục Thống kê, 2019). Những yếu tố góp phần làm giảm mức tăng năng suất nông nghiệp gồm thiếu đầu tư và nghiên cứu cùng hệ thống đổi mới sáng tạo kém phát triển. (World Bank, 2016).

4. Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA

Để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, các giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới như sau:

* Về phía doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, tái cơ cấu một số ngành hàng, nổi lên là các sản phẩm trái cây ngành Nông nghiệp tần cái cơ cấu theo hướng gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo giá trị lao động gắn liền với sản phẩm xuất khẩu.

Thứ ba, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. Không chỉ thương hiệu quốc gia, mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và OCOP.

Thứ tư, cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Ngoài ra, năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Khi đó, phải phát triển các sản phẩm đồ hộp, có thể bảo quản dài ngày đối với cả trái cây lẫn thủy sản. Sau khi có sản phẩm, một vấn đề nữa là phân phối sâu rộng vào thị trường EU. Để làm được điều này, cần kết nối với các kênh phân phối lớn, hiện đại ở khu vực này. Từ các nhà buôn lớn, nhà nhập khẩu lớn đó mới duy trì được kim ngạch xuất khẩu nông sản. Qua đó, giải quyết được vấn đề bán hàng qua trung gian, khiến người nông dân bị thương lái trục lợi, ép giá.

* Phía Nhà nước

Một là, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng. Quản lý chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định chính sách giá cả vì nó giữ cho chi phí kinh doanh ở mức tối thiểu và lợi nhuận cao nhất có thể. Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả việc di chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho trong quá trình sản xuất và thành phẩm từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ. Trong thị trường toàn cầu cạnh tranh cao ngày nay, chất lượng dẫn đến áp lực buộc các tổ chức phải tìm ra những cách thức mới để tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và theo chiều sâu, thay vì số lượng nhằm tạo ra và cung cấp giá trị ngày càng lớn hơn.

Hai là, mở rộng và đa dạng hóa thị trường (tăng cầu) đối với các nông sản thông qua mở rộng thị trường cho nông sản, nhất là mở rộng xuất khẩu nông sản ra thị trường EU với các chương trình hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Hạn chế lượng cung nhằm kiểm soát lượng cung thông qua kiểm soát quy mô sản xuất để hỗ trợ giá cho nông sản, như: Giảm bớt sản lượng, cho vay vốn canh tác và thu mua sản phẩm theo giá hợp đồng định trước để đảm bảo nông dân không bị thiệt khi được mùa.

Ba là, để khắc phục các trở ngại về năng lực cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững trong quá trình chuyển đổi và trong dài hạn cần thực hiện những cải cách sâu rộng trong toàn nền kinh tế, nhất là trong những vấn đề liên quan đến đất đai (quyền sở hữu/nắm giữ, sử dụng), các chính sách, thể chế liên quan đến khoa học, công nghệ, các mô hình phân cấp quản lý, phối hợp hoạt động của Nhà nước.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đứng trước những  cơ hội lớn từ mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm xuất khẩu, thu hút đầu tư và công nghệ sản xuất hiện đại để đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững trong bối cảnh tham gia EVFTA. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, một mặt, xuất phát từ những hạn chế trong nội tại quá trình phát triển của ngành Nông nghiệp; mặt khác, do những thách thức khách quan từ những cam kết ngày càng khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường,.. Do vậy, để có tận dụng được các cơ hội từ EVFTA, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, người sản xuất vàcơ quan quản lý nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2018). Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2017. NXB Công Thương, Hà Nội.
  2. Bộ Công Thương (2019). Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018. NXB Công Thương, Hà Nội.
  3. Nguyễn Hồng Cử (2010). Phát triển nông sản xuất khẩu theo hướng bền vững ở Tây Nguyên. Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
  4. Hoàng Văn Cương (2019). Tác động của các Hiệp định thương mại thế hệ mới đến vấn đề lao động, việc làm ở Việt Nam. http://www.ciem.org.vn/tin-tuc/6635/tac-dong-cua-cac-hiep-dinh-thuong-mai-the-he-moi-den-van-de-lao-dong-viec-lam-o-viet-nam?newsgroup=Th%C3%B4ng%20tin%20chuy%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%81
  5. Nguyễn Trọng Khương, Trương Thị Thu Trang (2017). Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam. <http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/208028/Thuc-trang-va- giai-phap-thuc-day-xuat-khau-nong-san-cua-Viet-Nam.html>.
  6. Anh Thư (2020). Cơ hội và thách thức với nông sản Việt Nam từ EVFTA. <http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh- kinh-doanh/co-hoi-va-thach-thuc-voi-nong-san-viet-nam-tu-evfta-318309.html>.
  7. Hồ Trung Thanh (2009). Xuất khẩu bền vững ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế, Hà Nội.
  8. Tổng cục Thống kê (2019). Niên giám thống kê 2018, NXB Thống kê, Hà Nội.
  9. Trung tâm WTO (2019). Tóm lược Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
  10. 10. K.Vân (2020). EVFTA được thông qua: “Nông sản Việt rộng cửa vào thị trường EU”. <http://baodansinh.vn/evfta-duoc-thong-qua-nong-san-viet-rong-cua-vao-thi-truong-eu-20200217214659105.htm>
  11. World Bank (2016). Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào, NXB Hồng Đức, tr. 21 - 41.