Xúc tiến thương mại hướng về thị trường trong nước

Theo VnEconomy

Cùng với "làn sóng" các doanh nghiệp trong nước hướng về thị trường nội địa, các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước cũng trở nên phong phú, sôi động hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai chú trọng vào 2 nhiệm vụ lớn. Đó là thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và lấy đó làm bộ phận nòng cốt của Chương trình; nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, chất lượng dịch vụ phân phối của các doanh nghiệp, coi đó là tiền đề để cuộc vận động đem lại hiệu quả thiết thực.

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại hướng về thị trường trong nước như bảo trợ các chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn, các tuần và tháng khuyến mại, tiến hành nghiên cứu thị trường...

"Chưa năm nào các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước lại sôi nổi, phong phú, đa dạng và rộng khắp như năm 2009, đem lại những hiệu quả kinh tế xã hội tích cực. Theo đó đã nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với hàng Việt Nam, giúp doanh nghiệp và hàng Việt Nam vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh...”, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu khẳng định.

Báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) ngày 5/1/2010 cho thấy, trong năm 2009, hoạt động khuyến mại trên cả nước đã diễn ra sôi động với nhiều hình thức khuyến mại đa dạng. Số lượng các chương trình khuyến mại cũng như số lượng các doanh nghiệp thực hiện khuyến mại tăng lên đáng kể. Cục Xúc tiến thương mại đã trực tiếp thụ lý, xác nhận trên 360 chương trình khuyến mại với tổng giá trị giải thưởng đăng ký hơn 500 tỷ đồng.

Nếu như  các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp trong năm 2009 có sự gia tăng mạnh về số lượng và quy mô, giá trị giải thưởng thì các chương trình hội chợ triển lãm lại phát triển chuyên biệt theo hướng nâng cao chất lượng. Trong năm 2009 trên cả nước đã tổ chức hơn 300 hội chợ (trong đó số lượng hội chợ triển lãm được tổ chức nhiều nhất trên địa bàn Tp.HCM với 90 hội chợ và Hà Nội với 77 hội chợ).

Năm vừa qua, các tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp đã tham gia 69 hội chợ triển lãm tại nước ngoài (trong đó 40 đoàn thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia). Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định: “Đây là năm mà các hội chợ triển lãm được tổ chức chọn lọc hơn, mang tính chuyên nghiệp hơn và chất lượng cũng được nâng cao”.

Điểm nhấn nổi bật trong năm 2009 là Cục Xúc tiến thương mại đã trực tiếp tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng có quy mô lớn tại trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến Triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam tại Mátxcơva - Liên bang Nga, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO 2009) tại Nam Ninh, Quảng Tây - Trung Quốc, Hội chợ thương mại Việt - Lào, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ... Tổng giá trị các hợp đồng xuất khẩu được ký kết tại các hội chợ này đạt hơn 720 triệu USD.

Thời điểm này, việc chuẩn bị cho các chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2010 cũng đang được các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương thực hiện. Tính đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã tiếp nhận, đánh giá, nhận xét và tổng hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định đối với 269 đề án.

Trước mắt, để đảm bảo tính hiệu quả và kịp thời của một số chương trình, Cục Xúc tiến thương mại đã tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt 13 đề án xúc tiến thương mại Quốc gia do các địa phương chủ trì thực hiện trong năm 2010.