Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là xu thế tất yếu khi kinh tế - xã hội phát triển. Bằng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp từ 500 hộ kinh doanh cá thể thuộc 7 huyện, 1 thành phố trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và sử dụng phương pháp hồi quy nhị phân, nghiên cứu này đã tìm ra được 5 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các hàm ý chính sách để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với quy mô gần 66.000 hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể, không thể phủ nhận rằng hộ kinh doanh cá thể đang giữ một vai trò trụ cột, tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp và điều tra cá thể năm 2018, tỉnh Trà Vinh có 65.825 hộ SXKD cá thể và 1.529 doanh nghiệp (DN), trong đó có 1.353 DN đang hoạt động. Hộ SXKD cá thể là lực lượng quan trọng để phát triển, chuyển đổi sang DN. Việc chuyển hộ SXKD sang DN sẽ đóng góp tốt vào mục tiêu năm 2020 tỉnh Trà Vinh có 3.000 DN.

Sơ lược tài liệu nghiên cứu

Liên quan đến những vướng mắc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, Xuân Anh, Mỹ Phương (2018) cho rằng, hộ kinh doanh còn ngại chuyển đổi mô hình quản lý, chưa quen với khái niệm quản trị DN, hạn chế về nhận thức đối với Luật DN, kiến thức, kỹ năng điều hành DN. Bên cạnh đó, phần lớn hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, mang tính chất gia đình và kinh doanh không ổn định, các hộ kinh doanh cũng không quen với hệ thống sổ sách, kế toán và báo cáo thuế khi hoạt động theo mô hình DN.

Trong nghiên cứu “Phát triển hộ kinh tế cá thể: Phân tích từ quản trị vốn và tài chính”, Đặng Văn Hồng (2016) đã đưa ra những đề xuất phát huy hơn nữa tiềm lực kinh tế cá thể cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Nhà nước cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ kinh doanh cá thể; Cần đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh cá thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay; Cần có sự liên kết giữa các hộ kinh doanh cá thể với nhau thành các hiệp hội ngành nghề cũng như giữa chính hộ kinh doanh cá thể với thị trường; Cần tuyên truyền để hộ kinh doanh cá thể thay đổi quan niệm và nhận thức truyền thống.

Bên cạnh đó, Huỳnh Thanh Điền (2017) nêu quan điểm: Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN không nên thực hiện bằng các biện pháp mang tính hành chính, cần thực hiện các giải pháp mang tính tư vấn, đồng hành cùng hộ kinh doanh trong quá trình làm ăn của họ. Trường hợp hộ kinh doanh hoạt động, không có tiềm năng phát triển, thị trường ở phạm vi hẹp... phù hợp với mô hình hộ kinh doanh và thuận lợi cho quản lý thì không nên vận động họ chuyển đổi. Còn đối với các hoạt động kinh doanh có ý tưởng sáng tạo, có thể bắt đầu nhỏ nhưng có triển vọng phát triển lớn, thị trường tiềm năng ở phạm vi rộng. . . thì nên vận động chuyển sang mô hình DN để có điều kiện phát triển.

Để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển bền vững, Mai Thị Thanh Xuân, Đặng Thị Thu Hiền (2013) lại đề xuất một số giải pháp chủ yếu: (1) Đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất; (2) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho nông dân; (3) Chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng hiệu quả và bền vững; (4) Trang bị kiến thức về kinh tế và kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.

Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan, mô hình hồi quy logistic được thực hiện với 10 biến độc lập:

Y = β0 + β1X1+ β2X2+…..+ β9X9 +

Y: là biến phụ thuộc: Ý định chuyển đổiY= 1: Chuyển đổi;Y= 0: Không chuyển đổi.

Các biến độc lập:

X1- Kinh nghiệm chủ hộ;

X2- Năng lực nội tại của hộ kinh doanh cá thể.

X3- Nguồn vốn hoạt động 

X4- Thủ tục hành chính;

X5- Trình độ học vấn của chủ hộ;

X6-  Chính sách hỗ trợ của nhà nước;

X7- Doanh thu bình quân;

X8- Tài sản đảm bảo; 

X9- Môi trường kinh doanh. 

Nhóm tác giả tiến hành khảo sát 500 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; ứng dụng mô hình hồi quy nhị phân để phục vụ trong phân tích thống kê.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ chuyển đổi sang DN của hộ SXKD cá thể của các biến có mức ý nghĩa α =0,90 (tức độ tin cậy = 90%), gồm các biến: “Ngành nghề hoạt động”, “Thời gian hoạt động”, “Khó khăn khi tiếp cận vốn vay”. Những biến này có mối tương quan với nhau ở mức ý nghĩa 90% ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi sang DN của hộ SXKD cá thể.

Các biến: “Doanh thu bình quân cơ sở/năm”, “môi trường kinh doanh” có ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi sang DN của hộ SXKD cá thể ở mức ý nghĩa 95% (tức độ tin cậy = 95%). Một số biến: “Giá trị tài sản”, “Vốn lưu động”, “Thủ tục hành chính”, “Trình độ học vấn”, “Chính sách hỗ trợ”, “Tài sản đảm bảo”, “Khó khăn khi chuyển đổi sang DN” không liên quan đến giá trị chuyển đổi từ hộ SXKD cá thể sang DN do chúng không có ý nghĩa về mặt thống kê.

Đề xuất các hàm ý chính sách

Thông qua các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang DN trên địa bàn cả nước và tại tỉnh Trà Vinh gồm:

Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi  hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp - Ảnh 1

- Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho hộ kinh doanh cá thể: Các thủ tục hành chính có liên quan đến hộ SXKD cá thể và DN phải được ưu tiên rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết, công khai minh bạch quy trình, các bước thực hiện để giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuộc lĩnh vực đăng ký hộ SXKD cá thể và DN, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất, quy trình cấp phép xây dựng.... 

- Xây dựng, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển hộ SXKD cá thể và DN: Khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của hộ SXKD cá thể và DN; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để triển khai các giải pháp khả thi, hỗ trợ phát triển 2 chủ thể này trong những năm tiếp theo; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ hộ SXKD cá thể và DN đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần vận động các hộ cá thể có doanh thu cao (có thể ở mức từ 500 triệu/năm trở lên) chuyển đổi sang thành lập DN.

- Tăng cường hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng hộ SXKD cá thể và DN: Hỗ trợ các thủ tục đăng ký hộ SXKD cá thể và thành lập DN, hỗ trợ công bố thông tin thành lập mới DN theo tinh thần Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ; Có chính sách hỗ trợ quyết toán sổ sách kế toán để tạo điều kiện cho hộ SXKD cá thể chuyển đổi sang mô hình DN hoạt động ổn định, lâu dài.

- Xem xét miễn giảm thuế trong một vài năm đầu để khuyến khích hộ SXKD cá thể chuyển đổi sang mô hình DN hoạt động, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là sau khi chuyển đổi một vài năm lại tiến hành giải thể do phải chịu quá nhiều chi phí. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công tác ghi chép sổ sách, báo cáo chứng từ kế toán hạn chế tình trạng thất thu thuế.

- Đào tạo nguồn nhân lực cho hộ kinh doanh cá thể lên DN: Thực hiện dự báo, khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của hộ SXKD cá thể và DN; Nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn qua đó nâng cao chất lượng lao động sau khi đào tạo, nhằm giảm chi phí tuyển dụng và giảm chi phí đào tạo lại lao động.

- Nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông và đối thoại với hộ SXKD cá thể và DN: Cần tăng cường tuyên truyền phổ biến và quán triệt các sở, ban, ngành về Chương trình hành động và các chính sách hỗ trợ hộ SXKD cá thể và DN của tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương thức tuyên truyền nhằm khuyến khích và thu hút hộ SXKD cá thể và DN tỉnh quan tâm nhiều hơn đến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến DN, đặc biệt là trường hợp chuyển đổi từ hộ SXKD cá thể sang DN theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ. Đây được coi là đối tượng chính để tỉnh Trà Vinh đạt mục tiêu 2.800-3.000 DN trong 2 năm tới theo kế hoạch đề ra.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thống kê Trà Vinh (2018), “Báo cáo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 tỉnh Trà Vinh”.

2. Đặng Văn Hồng (2016), “Phát triển hộ kinh tế cá thể: Phân tích từ quản trị vốn và tài chính”, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2016;

3. Đỗ Văn Quân (2013), “Phát triển kinh tế hộ gia đình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Hồng hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị số 6/2013;

4. Huỳnh Thanh Điền (2017), “Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Tư vấn thay vì tạo áp lực”, http://cafebiz.vn;

5. Arbiana Govori (2013), “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của các DNVVN: Kinh nghiệm từ Kosovo”;

6. Mohammed Shamsul Chowdhury, (2013) “Các yếu tố thành công của các doanh nhân vừa và nhỏ bằng chứng từ Bangladesh”;

7. Muhammad Abrar-ul-haq, Mohd Razani Mohd Jali và Gazi Md Nurul Islam (2015), “Các yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Pakistan”.