AAA - Hai vấn đề cần tiếp tục làm rõ

Theo ĐTCK

Xét lộ trình tăng vốn của AAA, việc Tam Sơn và FC bắt đầu đầu tư tài chính từ tháng 3/2010 và chuyển nhượng cổ phiếu của 2 đơn vị này cần xem xét lại.

 

Thời gian qua, báo chí và dư luận lên tiếng nhiều về nghi vấn làm giá cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát. Là một người theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính, kết hợp với bản cáo bạch của AAA khi niêm yết và bài trả lời phỏng vấn của ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT AAA khi trả lời báo chí "nếu được quyết định lại, sẽ không niêm yết", tôi thấy có một số điểm sau cần phải được phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước làm rõ.

 Thứ nhất, về chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông chiến lược
 
 Theo ông Dương, "Tam Sơn và FC là công ty đầu tư, việc đầu tư tài chính vào An Phát bắt đầu từ tháng 3/2010". Theo bản cáo bạch niêm yết của Công ty, lần phát hành gần đây nhất là lần phát hành tăng vốn từ 66 tỷ đồng lên 99 tỷ đồng, theo tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu (37 cổ đông), với giá 37.000 đồng/CP.

Cũng theo bản cáo bạch, đợt phát hành này diễn ra từ tháng 4/2009 đến tháng 5/2010 theo Nghị quyết 1704/2010/NQ-ĐHĐCĐ của ĐHCĐ AAA. Như vậy, có thể thấy ngay một mâu thuẫn là tại sao đợt phát hành bắt đầu từ tháng 4/2009 mà đến ngày 17/4/2010 mới ban hành Nghị quyết (xem: http://anphatplastic.com/vietnam/?act=ShareHolder&do=Detail&cid=17&nid=327). Vậy thì không thể nói là đợt phát hành trong năm 2009 được, mà phải nói là năm 2010, chính xác là bắt đầu từ ngày 17/4/2010.

 Hơn thế, đợt phát hành này đến tháng 5/2010 mới kết thúc. Theo thông báo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đến ngày 10/6/2010 Uỷ ban mới chứng nhận AAA trở thành công ty đại chúng. Nhưng, với 37 cổ đông của đợt phát hành, cùng với thông báo của UBCK và Nghị quyết ĐHCĐ AAA nêu trên, chứng tỏ đây là đợt phát hành riêng lẻ sau ngày 25/2/2010 - ngày có hiệu lực của Nghị định 01/2010/NĐ-CP về phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Vậy thì tại sao các cổ đông của đợt phát hành trong tháng 4/2010 không bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại Nghị định 01/2010/NĐ-CP? Tại sao Tam Sơn và FC lại được chuyển nhượng cổ phiếu khi chưa hết thời hạn 1 năm hạn chế chuyển nhượng?
 
 Nếu suy luận của tôi là đúng, việc chuyển nhượng của các cổ đông này đã làm thiệt hại nhiều cho nhà đầu tư chân chính. Với tư cách là công ty phát hành, tại sao trong hồ sơ lưu ký, AAA không nêu lên là cổ đông hạn chế chuyển nhượng. Tôi nghĩ, đây là một câu hỏi tiếp theo cần có sự giải đáp thỏa đáng từ AAA và các cơ quan quản lý.
AAA - Hai vấn đề cần tiếp tục làm rõ    - Ảnh 1

Lộ trình tăng vốn của AAA-trích Bản cáo bạch niêm yết

 
 Thứ hai, về hoạt động và tư cách thành viên Ban kiểm soát
 
 Việc ông Dương khẳng định không có mối liên hệ nào với FC và Tam Sơn là một động thái tốt. Điều này sẽ có ý nghĩa độc lập, khách quan hơn nếu để Ban kiểm soát AAA lên tiếng. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn hồ nghi về tính độc lập, khách quan của Ban kiểm soát, khi mà bà Văn Thị Lan Anh vừa là nhân viên kế toán của Công ty, vừa là thành viên Ban kiểm soát. Điều này vi phạm tư cách thành viên Ban kiểm soát quy định tại Khoản 2 Điều 19 Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính. Đây là vấn đề thứ hai cần có lời giải đáp thỏa đáng từ AAA và cơ quan quản lý thị trường.