Ám ảnh thực phẩm bẩn

Theo Vân Khánh/baodansinh.vn

Trộn tạp chất với hồ tiêu, lấy bột than tre làm thuốc chữa ung thư, thực phẩm 'ngậm' hóa chất… đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người và quan trọng hơn là mất dần niềm tin của người dân về thực phẩm an toàn. Việc ngăn chặn thực phẩm bẩn bằng cách truy xuất nguồn gốc trước khi mua sẽ góp phần cần thiết hơn bao giờ hết.

Việc ngăn chặn thực phẩm bẩn bằng cách truy xuất nguồn gốc trước khi mua sẽ góp phần cần thiết hơn bao giờ hết. Nguồn: internet
Việc ngăn chặn thực phẩm bẩn bằng cách truy xuất nguồn gốc trước khi mua sẽ góp phần cần thiết hơn bao giờ hết. Nguồn: internet

Phát hiện hàng loạt vụ thực phẩm bẩn

Sở Y tế Hải Phòng bắt quả tang những công nhân trong xưởng đang đổ bột than tre vào các vỏ thuốc con nhộng để đóng gói cho ra sản phẩm Vinaca ung thư CO3 bán cho bệnh nhân ung thư. Thông tin này ngay lập tức gây bức xúc trong dư luận xã hội về sự vô đạo đức trong kinh doanh của chủ công ty Vicana.

Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông kiểm tra, phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản của Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Xuân Bảo, ở xã Đắk Wer, có hành vi pha trộn nước bột pin vào hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ. Sau vụ việc 5 đối tượng đã bị bắt để phục vụ điều tra.

Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với các đơn vị liên quan vừa kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông Nguyễn Năng Ngọc là chủ (tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh). Đoàn kiểm tra đã thu giữ 644kg gân trâu, bò, lợn khô/tươi, 225kg phụ gia tẩy trắng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ vi phạm về kinh doanh thực phẩm bẩn để trục lợi bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trong thời gian qua.

Chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay, khi mà người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy lo ngại về thực phẩm không an toàn.

Có thể nói, tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” đang khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng méo mó, lòng tin của người tiêu dùng ngày càng mai một. Sau mỗi sự việc thực phẩm bẩn bị phát giác, lại rỉ tai nhau câu chuyện: "Hãy làm người tiêu dùng thông minh". Để có nguồn thực phẩm sạch bảo vệ sức khỏe gia đình, không ít gia đình chấp nhận tăng gia sản xuất. Góc ban công bé nhỏ nơi thành phố thay vì để hóng gió nay được kê thêm mấy thùng xốp, kệ sắt với mấy chậu nhỏ để trồng rau. Thậm chí, có những người còn nuôi cá, thả gà trên sân thượng. Nhưng không phải ai cũng có diện tích để tăng gia, không thể “tự cung tự cấp” được nguồn thực phẩm đủ cho cả gia đình. Vì thế, đành chấp nhận "sống chung với lũ" trong sự bất lực: Phải chi tiền để mua thực phẩm không an toàn.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trước thực trạng thực phẩm bẩn hoành hành, các cơ quan chức năng cũng đã có những động thái tích cực nhằm dẹp bỏ vấn nạn thực phẩm bẩn. Tại Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố và duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố. Đồng thời, duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở mở 11 địa điểm bán được xác nhận sản phẩm an toàn; phối hợp với các tỉnh bạn triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi... Cùng với đó, xây dựng, triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn bằng công nghệ thông minh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý trên địa bàn đã có ứng dụng phần mềm mã vạch, mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động - QR code.

Ngoài ra, Sở Công Thương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động trong công tác an toàn thực phẩm, tích cực phối hợp với các sở, ngành để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhất trên địa bàn thành phố, cũng như trong tháng cao điểm hành động an toàn thực phẩm. Sở Công Thương đã giao Chi cục Quản lý thị trường cùng 3 đội cơ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giấy tờ an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố hợp quy, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu kiểm tra nguồn gốc sản phẩm theo quy định.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Theo đó, kế hoạch sẽ thực hiện giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên toàn TP đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm có các chỉ tiêu có nguy cơ cao. Trong đợt giám sát này, các cơ quan chức năng sẽ lấy (mua) 432 mẫu thuộc 8 nhóm thực phẩm và kiểm nghiệm đánh giá chất lượng 1.272 chỉ tiêu. Công việc này vẫn đang trong quá trình triển khai.

Tuy nhiên, để triệt tiêu thực phẩm bẩn đi đến hồi kết không chỉ cần sự vào cuộc mạnh tay từ phía cơ quan chức năng mà hơn hết cần tới cái tâm của người kinh doanh.