Ám ảnh xuất nhập khẩu gặp "đối tác ma"

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều doanh nghiệp Việt bị "đối tác ma" ở Hà Lan lừa đảo như cảnh báo mới đây từ phía Thương vụ tiếp tục là chuỗi nối dài trò ma mãnh của đối tác ngoại. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không được cả tin, biết "chọn mặt gửi vàng" và lưu ý chứng từ xuất nhập khẩu - công cụ giao dịch quan trọng của doanh nghiệp.

 Hoạt động xuất nhập khẩu còn tiềm ẩn rủi ro từ các "đối tác ma". Nguồn: Internet
Hoạt động xuất nhập khẩu còn tiềm ẩn rủi ro từ các "đối tác ma". Nguồn: Internet

Như cảnh báo của Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, một số kẻ lừa đảo mạo danh những công ty có đăng ký hoạt động hợp pháp ở nước này để giao dịch.

Một số vụ việc doanh nghiệp (DN) Việt sau khi ký hợp đồng với "đối tác ma" tại Hà Lan, dù đã thanh toán trước 10-30%, thậm chí có trường hợp trả trước 100% tiền hàng, nhưng vẫn không nhận được hàng giao như thỏa thuận, bị trì hoãn hoặc cắt đứt liên lạc…

Chuỗi nối dài trò lừa

Khi Thương vụ liên hệ theo số điện thoại đăng trên trang web từ các đối tác ở Hà Lan thì điện thoại liên lạc không có người nhấc máy. Thương vụ liên hệ theo số máy đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng Thương mại Hà Lan thì chủ nhân thật sự của công ty thường nói không có quan hệ hoặc liên lạc làm ăn với DN Việt Nam.

Những công ty này chủ yếu chào bán hàng thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị cũ; hoặc nhập khẩu thủy hải sản…, những mặt hàng có giá trị cao.

Từ đây, phía Thương vụ lưu ý các DN Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, có trường hợp lấy từ mạng Alibaba hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau.

Có thể thấy, cảnh báo nêu trên tiếp tục là chuỗi nối dài về chiêu thức lừa đảo của "đối tác ma" ở nước ngoài với các DN xuất nhập khẩu Việt Nam.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Nigieria, Maroc, Tây Ban Nha đã liên tiếp cảnh báo về những hành vi tương tự, cố tình chiếm đoạt tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng.

Nói về vấn đề này tại một hội thảo quy tụ các DN xuất nhập khẩu do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua, TS. Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh, cho rằng rủi ro là yếu tố mà không DN nào mong đợi. Thế nhưng, với hoạt động xuất nhập khẩu trước những đối tác khác nhau đến từ những môi trường kinh doanh khác nhau, vấn đề rủi ro chắc chắn sẽ còn nhiều trong thời gian tới.

Như lưu ý của ông Minh, rủi ro nhiều khi đến từ chính DN trong nước chứ không phải bao giờ cũng xuất phát từ bên ngoài. Có thể DN Việt gặp đối tác không có uy tín hoặc không có thiện chí kinh doanh, hoặc ý tưởng kinh doanh của họ thay đổi hoặc trường hợp nghiêm trọng là phía đối tác có ý định lừa đảo ngay từ ban đầu.

Mối nguy từ bộ chứng từ

"Nhất là câu chuyện về "điều khoản nửa đêm" – chỉ khi gặp tranh chấp mới quan tâm đến điều khoản về giải quyết tranh chấp. Đây là câu chuyện mà DN xuất nhập khẩu thường xuyên vướng phải", ông Minh nói.

TS. Nguyễn Xuân Minh cũng chỉ rõ thêm một số rủi ro phổ biến mà DN xuất nhập khẩu ở Việt Nam gặp phải từ đối tác ngoại. Đó là phía DN Việt không kiểm chứng thông tin về đối tác ngoại, không cảnh giác trước điều kiện hợp đồng, việc đối tác không thực hiện các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng.

Còn theo luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, trọng tài viên VIAC, rủi ro của các DN xuất nhập khẩu đôi khi không vì những nguyên nhân sâu xa, mà đến từ chính những giao dịch được sử dụng thường xuyên.

Với kinh nghiệm tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp liên quan đến xuất nhập khẩu trong thời gian gần đây, bản thân cũng là luật sư của Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Kính cho biết có nhiều vụ việc tranh chấp phát sinh liên quan đến bộ chứng từ xuất nhập khẩu – mối nguy hiểm đến từ công cụ giao dịch quan trọng của DN.

Kể ra một trường hợp mà mình đang xử lý, luật sư Kính cho biết có một DN lớn ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam loại hàng hóa nông nghiệp với số lượng lớn trong nhiều năm nay để các DN trong nước được ủy quyền phân phối lại.

Thế nhưng, chỉ sau một đêm, khi cơ quan chức năng ở nước ngoài vào cuộc điều tra thì DN này trở thành "mây khói" với dàn lãnh đạo công ty bị khởi tố.

Qua tìm hiểu, trong thời gian dài, DN đó ủy quyền toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu cho đơn vị logistics, làm từ A – Z, từ kê khai hàng hóa, thủ tục hải quan, đóng thuế nhập khẩu và đăng kiểm cho loại hàng hóa đó.

Điều đáng nói, cơ quan điều tra phát hiện rằng suốt từ năm 2000 cho đến nay, hầu hết các bộ chứng từ nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều là giả mạo.

Cũng theo luật sư Kính, phía điều tra còn phát hiện việc làm giả chứng từ không phải để trốn thuế mà là để thông quan, dùng chữ ký điện tử để qua mặt cán bộ hải quan.

Vấn đề này đặt ra khi hàng hóa nhập khẩu của công ty nêu trên vào Việt Nam suốt 18 năm qua có các chứng từ giả mạo, dẫn đến tình huống pháp lý để các DN xuất nhập khẩu Việt Nam lưu ý là không nên "giao trứng cho ác".

Điều này nhằm tránh tình trạng khi phía DN ở Việt Nam nhập hàng hóa, cơ quan chức năng xác định đó là hàng hóa bất hợp pháp vì bị phía đối tác nước ngoài làm chứng từ giả.

"Cho nên, các DN Việt đừng quá tin tưởng vào đối tác ngoại, hoặc phải "chọn mặt gửi vàng" để tránh tình trạng phổ biến như trên. Đây là thực tế đòi hỏi các DN trong nước phải suy nghĩ và tránh mắc phải", luật sư Kính nhấn mạnh.