Áp lực về cơ chế giám sát

Theo Đầu tư

Nhiều vi phạm có dấu hiệu thao túng thị trường diễn ra gần đây khiến giới đầu tư không thể hững hờ. Diễn biến này cũng dấy lên nỗi bức xúc về cơ sở pháp lý và cơ chế giám sát trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố hành vi vi phạm của ông Hoàng Minh Hướng (Số CMND 031374625 cấp ngày 6/4/2002 tại Công an TP. Hải Phòng) và bà Quách Thị Nga (Số CMND: 020357411 cấp ngày 22/6/1999 tại Công an TP.HCM) liên quan đến các giao dịch về chứng khoán.

 Theo đó, ông Hoàng Minh Hướng và bà Quách Thị Nga đã đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (Mã CK: SQC), với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tiếp, gây ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu SQC. Hành vi này của ông Hoàng Minh Hướng và bà Quách Thị Nga được xác định đã vi phạm quy định tại Luật Chứng khoán.

 Cụ thể, theo Khoản 4, Điều 9, Luật Chứng khoán, một trong những hành vi bị cấm là thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác để thao túng giá chứng khoán.

 Với việc xác định hành vi vi phạm như trên, UBCKNN đã xử phạt ông Hướng và bà Nga 40 triệu đồng/người. Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được công bố, dư luận trong giới chứng khoán đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này.

 Theo một số nhà đầu tư, nếu thực sự hành động mua bán của hai người này được xác định là hành vi bị cấm theo Điều 9, Luật Chứng khoán, thì việc xử phạt hành chính 40 triệu đồng là quá nhẹ. Thậm chí, nhiều người cho rằng, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ đầu năm 2010, việc thao túng giá chứng khoán thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, một số nhà phân tích băn khoăn rằng, liệu hành vi này có đủ để bị kết vào tội thao túng giá chứng khoán? Theo công bố thông tin của UBCKNN, ông Hướng và bà Nga đã “đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (Mã CK: SQC) với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tiếp, gây ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu SQC”. Ngoài ra, không có thêm thông tin gì cụ thể hơn.

 Theo một số nhà chuyên môn, nếu như chỉ dựa vào thông tin hai người này đặt lệnh mua giá trần với khối lượng lớn trong nhiều phiên để xác định là hành vi thao túng giá chứng khoán có thể là vội vàng. Bởi vì, có thể nhà đầu tư mua cổ phiếu do nhu cầu thực sự (chứ không phải tạo cung cầu giả) và việc họ mua không cấu kết với người khác, thì không thể kết luận việc vi phạm quy định về thị trường chứng khoán. Trên quan điểm này, tình huống lại quay ngược 180 độ và việc xử phạt dù chỉ ở mức 40 triệu đồng cũng đã là quá oan uổng.

 Tương tự, những câu chuyện trước đó về vi phạm bị xử lý như trường hợp của ông Trần Thái Hưng và bà Nguyễn Kim Phượng cũng gây ra nhiều tranh luận.

 Dựa vào những thông tin được công bố, trường hợp vi phạm của bà Nguyễn Kim Phượng (chủ tài khoản số 020C009588, mở tại Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam) có vẻ nghiêm trọng hơn so với hai trường hợp trên.

 Theo đó, bà Phượng công bố chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Vật tư và Vận tải xi măng (Mã CK: VTV), trong khi lại âm thầm bán ra 557.800 cổ phiếu VTV.

 Cũng như trên, vi phạm của bà Phượng có thể có hai cách xử lý hoàn toàn trái ngược nhau. Với tình huống bà Phượng cố tình tung tin việc chào mua công khai để đẩy giá chứng khoán rồi sau đó bán cổ phiếu đang nắm giữ nhằm kiếm lời thì rõ ràng là hành vi thao túng giá và việc xử lý không thể chỉ dừng ở xử phạt hành chính, mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Tuy nhiên, với những thông tin công bố, việc xác định bà Phượng có phạm tội thao túng giá hay không là quá vội vàng. Bởi vì, có thể trước đó, bà Phượng có ý định thực sự mua cổ phiếu VTV với giá 40.000 đồng cổ phiếu, nhưng khi giá cổ phiếu này lên đến 55.200 đồng (cao hơn khá nhiều so với giá định chào mua), bà này thấy có lợi và bán cổ phiếu đi. Do đó, theo một số nhà chuyên môn, nếu việc mua và bán được xuất phát từ nhu cầu thực sự, không có chủ đích tạo ra cung cầu ảo, thì không thể xác định đó là hành vi thao túng giá.

 Giới chuyên môn cho rằng, những trường hợp xảy ra gần đây đang đặt ra một yêu cầu lớn về sự chặt chẽ trong cơ sở pháp lý cũng như cơ chế giám sát để vừa không để lọt tội phạm, nhưng cũng không thể xử oan người vô tội.