Ban Chỉ đạo 389: Không có “vùng cấm” trong chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Mai Ka/bcd389.gov.vn

Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

5 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 65.921 vụ việc vi phạm. Nguồn: Internet
5 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 65.921 vụ việc vi phạm. Nguồn: Internet

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai nhiệm vụ công tác, giao nhiệm vụ cụ thể, có chỉ tiêu tới từng bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực, với mục đích, yêu cầu phải kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, tập trung xử lý để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương; Khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích;

Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện, tránh kéo dài gây dư luận xấu trong xã hội; Rà soát các vụ việc nổi cộm để xử lý đúng người, đúng tội; Xác lập chuyên án để làm rõ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tham gia chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại; nâng cao tinh thần tố giác, không tham gia, không tiếp tay vi phạm pháp luật.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 4141/NQ-CP ngày 09/6/2015 về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. , Ban Chỉ đạo đã xây dựng Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 23/9 /2015 để triển khai, đồng thời, xây dựng các văn bản triển khai phân công giao trách nhiệm phụ trách địa bàn, xác định trách nhiệm và công tác phối hợp hoạt động giữa các lực lượng nhằm thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo đã tham mưu xây dựng và triển khai đôn đốc thực hiện các Công điện, Chỉ thị như: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 13 tháng 7 năm 2015 phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp…

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chuyên đề trọng điểm của Ban chỉ đạo như: Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Kế hoạch tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền; Kế hoạch tăng cường đấu tranh, từng bước ngăn chặn hoạt động mang vác hàng hóa qua đường mòn lối mở trên tuyến biên giới phía Bắc…

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên Đán dịp Tết; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm tại địa bàn lĩnh vực quản lý để tổ chức phát hiện, phối hợp đánh trúng đối tượng đầu nậu, đầu sỏ. Trong đó cần đặc biệt lưu ý quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…

Kết quả sơ bộ 5 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 65.921 vụ việc vi phạm (giảm hơn 13% so với cùng kỳ 2017), thu nộp NSNN đạt 5.288 tỷ 416 triệu đồng (giảm 27% so với cùng kỳ), khởi tố 754 vụ (tăng hơn 55 % so với cùng kỳ 2017), 882 đối tượng (tăng hơn 55% so với cùng kỳ 2017).

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23/9/2015 về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 và Kế hoạch công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia...

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; Xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng cấm và các mặt hàng khác như: Xăng dầu, quặng, hàng điện tử, điện lạnh,  điện thoại, linh kiện máy công cụ, ô tô, xe máy đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, thuốc lá, xì gà, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, nước ngọt, động vật hoang dã, gỗ, quần áo, vật liệu xây dựng,…và nhận diện các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận, thương mại trên địa bàn tỉnh quản lý.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật  không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.