Bán nhà qua sàn: Mới dừng ở khẩu hiệu!

Theo Tin nhanh chứng khoán

Trên thực tế, các quy định bắt buộc các DN kinh doanh BĐS phải bán sản phẩm của mình qua sàn đã bị các DN bỏ qua và được “lách” một cách khéo léo.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã nhiều lần khẳng định: "Với sự phát triển về quy mô và sự phức tạp của thị trường thì việc hình thành các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) là điều vô cùng cần thiết để làm minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường BĐS". Cũng vì sự cần thiết này mà Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đều bắt buộc các DN kinh doanh BĐS phải bán sản phẩm của mình qua sàn. Thế nhưng trên thực tế, các quy định này đã bị bỏ qua và được “lách” một cách khéo léo.
 
Từ câu chuyện bán nhà của VC1

Nghe thông tin CTCP Xây dựng số 1  bắt đầu bán căn hộ chung cư của Dự án Khu văn phòng và nhà ở cao cấp Vinaconex 1 tại số 289A, đường Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, tôi đến ngay Sàn giao dịch BĐS Vinaconex tại tầng 1 Toà nhà Vinaconex Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính để đăng ký mua. Nhìn tôi, anh nhân viên bán hàng của Sàn không giấu nổi sự ngạc nhiên: "Làm gì có hàng bán mà đăng ký. Công ty (VC1) chỉ gửi danh sách những người có "suất" ra đây làm thủ tục để chuẩn bị bốc thăm thôi. Nhưng nếu anh cần thì em sẽ giới thiệu những người có "suất" bán lại cho anh".

Rồi chẳng để cho tôi kịp nói đồng ý hay không, anh nhân viên tiếp thị luôn: "Nếu anh lấy lại "suất" của cán bộ - công nhân viên VC1 thì tiền "kênh" là 700 triệu đồng và phải trả ngay thêm 1 tỷ đồng tiền đóng "suất" cho họ. Còn nếu anh lấy "suất ngoại giao" thì tiền "kênh" là 650 triệu đồng". Trả lời thắc mắc của tôi về sự vô lý trên, anh nhân viên giải thích: "Suất của cán bộ - công nhân viên VC1 phải trả 1 tỷ ngay vì Công ty đã thu của họ cách đây 1 năm rồi, nhưng số tiền này sẽ được VC1 trả lãi nên tiền "kênh" cao hơn. Còn "suất ngoại giao" rẻ hơn, nhưng sau khi "vào tên hợp đồng" sẽ phải đóng ngay 40% giá trị hợp đồng".

Bốc máy điện thoại gọi cho Chủ tịch HĐQT của VC1, vị này cho biết, Công ty bán đợt này 176 căn chung cư thông qua Sàn giao dịch BĐS Vinaconex. Khi tôi bày tỏ mong muốn được đăng ký mua 1 suất với giá gốc của Công ty, ông Chủ tịch cười bảo: "Cậu cứ ra Sàn mà đăng ký". Gọi điện cho Phó giám đốc Sàn giao dịch BĐS Vinaconex thì nhận được câu trả lời: "Chúng tôi đã bán hết hàng từ lâu rồi".

Đến mong muốn minh bạch hóa thị trường

Qua tìm hiểu, được biết, Dự án Khu văn phòng và nhà ở cao cấp Vinaconex 1 là dự án trọng điểm của Công ty, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án có vị trí đắc địa khi nằm trong khu Trung Hòa - Nhân Chính, khá gần với khu Trung tâm Hội nghị Quốc gia, khu thương mại - siêu thị Big C, khu tổ hợp nhà ở, cao ốc văn phòng, khách sạn Keangnam, Charmvit,... Dự án bắt đầu được khởi công từ cuối tháng 5/2009 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011, bàn giao nhà cho khách hàng vào quý I/2012.

Dự án có tổng số 285 căn hộ, trong đó có 96 căn diện tích 153 m2/căn; 42 căn diện tích 148,92 m2/căn; 69 căn diện tích 118,32 m2/căn; 39 căn diện tích 212,92 m2/căn; 35 căn diện tích 210,81 m2/căn; 4 căn diện tích 309,38 m2/căn. Giá bán là 28,5 triệu đồng/m2. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2010, VC1 công bố doanh thu dự kiến từ dự án này là 1638,117 tỷ đồng. Tổng lãi ròng dự kiến là 488,681 tỷ đồng, tương đương 49,02% trên vốn đầu tư và 28,83% trên doanh thu. Công ty có thể bắt đầu hạch toán doanh thu và lợi nhuận của dự án này từ năm 2010 và 2011, điều này có thể sẽ làm cho doanh thu và lợi nhuận của VC1 tăng trưởng đột biến so với các năm trước.

Nếu tất cả dự kiến trên được triển khai đúng kế hoạch và quy định của pháp luật thì các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của VC1 cũng đã có được khoản lợi nhuận khá lớn từ dự án này. Chưa biết liệu có khách hàng nào chấp nhận trả tiền “kênh” cho mỗi căn hộ hơn nửa tỷ đồng như lời cậu nhân viên môi giới kia chào hàng hay không, song không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, cách bán hàng như trên có đúng quy định? Không chỉ VC1 khiến nhà đầu tư băn khoăn về cách giao dịch qua sàn, hiện nay phần lớn dự án bất động sản tại Hà Nội đang được bán qua sàn một cách hình thức. Việc mua nhà, đất giá gốc tại các dự án của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) theo phản ánh của nhiều khách hàng là rất khó khăn. Ngay dự án do các CTCP, công ty tư nhân làm chủ đầu tư như Geleximco, Bắc Quốc lộ 32... cũng không dễ tiếp cận giá gốc qua sàn.

Ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), người chịu trách nhiệm chính soạn thảo Luật Kinh doanh BĐS cách đây 5 năm, nhấn mạnh: "Sàn giao dịch BĐS không phải là nơi viết "văn tự" mua bán nhà, mà các DN phải đưa sản phẩm của mình ra đây mua bán công khai. Chỉ có mua bán công khai trên sàn thì mới làm minh bạch hoạt động của thị trường BĐS".

Nhìn rộng hơn, tác động của các văn bản quy phạm pháp luật với mong muốn làm minh bạch thị trường BĐS vẫn còn rất xa vời. Và một khi trên thị trường vẫn còn khoản tiền "kênh" thì việc bán nhà qua sàn sẽ vẫn trong tình trạng "nói vậy mà không phải vậy".