Bảo vệ quyền con người tại Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động

PV.

Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đề ra các vấn đề về quyền cơ bản của con người, nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sớm tiếp cận về quyền con người, đồng thời có nhiều nỗ lực để đạt được những kết quả tích cực trong việc đảm bảo quyền con người. Có thể nói, dù còn nhiều thách thức, Việt Nam luôn nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả của công cuộc phát triển đất nước.

Khẳng định về quyền con người, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai đoạn văn bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789. Tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sự phát triển quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người với tư duy pháp lý của nhân loại tiến bộ, không xa lạ với những chân lý phổ biến đã được coi là thành quả văn minh của loài người. Nói cách khác, thông qua khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, từ các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013 luôn giữ một vấn đề căn cốt là hiến định các quyền con người và quyền công dân. Đặc biệt, việc thông qua bản Hiến pháp này đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, Hiến pháp 2013 khẳng định nguyên tắc chung về quyền con người, quyền công dân như sau: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Cùng với đó, các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục xác định mục tiêu bao trùm “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, qua đó khẳng định quyền làm chủ của nhân dân để bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn. Trong đó, Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ và bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, theo phương hướng: Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết…

Có thể nói, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, hơn 30 năm qua, Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và bảo đảm tốt hơn quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, đến nay, nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Với việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo từ trên 60% (năm 1986) xuống còn khoảng 7% (cuối năm 2017), Việt Nam là một trong những quốc gia được Liên Hợp quốc đánh giá đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất với việc giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ.

Đồng thời, Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, trong đó thu nhập bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 230 USD thì đến nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD). Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Để bảo đảm quyền bình đẳng, sự phát triển công bằng cho mọi người, Việt Nam dành nhiều chính sách hướng đến nhóm xã hội yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Với các tổ chức như: Tổ chức tín dụng phục vụ người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội, người nghèo có thể vay trực tiếp hoặc vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của mình, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...

Ngoài ra, Nhà nước còn dành một khoản ngân sách lớn hàng năm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng phục vụ đời sống như: điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, qua đó, góp phần nâng cao đời sống, sinh hoạt cho người dân nông thôn nói chung và các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nỗ lực bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cho người dân. Cho đến năm 2017, Việt Nam có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động, đã thông tin kịp thời, phản ánh hơi thở đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Mọi người có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp, phản hồi thông tin trên báo chí, bày tỏ ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, tham gia góp ý, xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí…

Đặc biệt, dù mới vào Việt Nam từ cuối năm 1997, chỉ trong vòng 20 năm, nhờ chính sách phát triển thông thoáng và tôn trọng quyền tiếp cận thông tin của người dân, đến nay Việt Nam đã có hơn 60% người dân sử dụng internet, xếp thứ 16 thế giới về số lượng người dùng mạng thông tin toàn cầu này.

Việt Nam hiện cũng đang tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người với một số nước đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người… Đồng thời, tiếp tục là thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan Liên Hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội và hiện đang ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021…