Bi hài chuyện những ông chủ “bán chịu” công ty ở Hải Phòng

Theo Đầu tư Chứng khoán

Những ông chủ của một thương hiệu khá nổi tiếng tại đất Cảng, bỗng chốc trắng tay vì sai lầm trong đầu tư, kinh doanh.

Bi hài chuyện những ông chủ “bán chịu” công ty ở Hải Phòng

Kết cục phải bán lại cho một doanh nghiệp khác, nhưng khi quyền kiểm soát công ty đã trao, mà tiền của các cổ đông chưa nhận được...

“Bán chịu” công ty !

Mới đây, PV gặp ông Phạm Văn Thưởng, nguyên Giám đốc công ty CP kinh doanh kim khí Hải Phòng, giữa lúc ông đang hoàn tất các thủ tục bàn giao tài sản cho chủ mới.

“Giờ tôi chỉ làm thuê thôi. Ngày 28/9 tới, sẽ bàn giao tài sản công ty cho chủ mới là xong”- Ông Thưởng nói, không ra vui, cũng chẳng ra buồn.

Theo ông Thưởng, ông và các cổ đông khác đã bán xong 97,48% cổ phần (tương đương 2,277 triệu cổ phần) cho CTCP tư vấn và đầu tư Trường Sa (trụ sở tại TPHCM) do ông Ngô Quốc Hùng (Giám đốc) làm đại diện.

Quyền điều hành công ty cũng được chuyển giao cho Cty Trường Sa, do ông Ngô Quốc Hùng làm chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và người đại diện theo pháp luật của công ty Kim khí Hải Phòng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2009, Cty Kim khí Hải Phòng đã bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng do vay nợ nhiều ngân hàng.

Trong đó, chủ yếu vay đầu tư dự án nhà máy vôi (tại Thanh Hóa), trị giá 110 tỷ đồng. Do sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, nên công ty ngày càng sa lầy, không còn khả năng trả nợ.

Tuy thế, lãnh đạo công ty vẫn báo cáo với Đại hội cổ đông thường niên năm 2010 rằng “kinh doanh có lãi”. Kỳ thực, khoản lãi này có được từ việc bán tài sản cố định là một khu đất mặt phố trị giá 6,6 tỷ đồng.

Tính đến tháng 8/2012, tổng nợ gốc (chưa kể lãi vay) của Cty Kim khí Hải Phòng tại 3 tổ chức tín dụng là 86,5 tỷ đồng (đã quá hạn từ lâu). Cụ thể, dư nợ 39 tỷ đồng tại Tổng Cty CP tài chính dầu khí - PVFC chi nhánh Nam Định; 43 tỷ đồng tại chi nhánh Vietcombank Hải Phòng và 3 tỷ đồng tại ngân hàng ACB.

Ngoài ra, ông Thưởng còn huy động vốn lãi suất cao, từ 6-6,6%/tháng lên tới 13 tỷ đồng mà không thông qua HĐQT.

“Trong lúc kẹt vốn, các khoản nợ đến hạn nên tôi phải vay nóng của cổ đông, vay ngoài để trả ngân hàng trước. Thậm chí, nhà cửa của mình cũng đem thế chấp hết. Sau đó, ngân hàng lại siết chặt tín dụng nên không đảo nợ được nữa”- Ông Thưởng lý giải, trong lúc khó khăn, vì sự tồn tại của doanh nghiệp nên ông và nhiều giám đốc khác cũng phải “đảo nợ” như thế.

Ông Thưởng còn phải bán tài sản là Kho 52 Sở Dầu (Hải Phòng) được 34 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng và những khoản vay “nóng”.

Trước nguy cơ phá sản, ông Thưởng đã “mời” Cty Trường Sa tham gia tái cấu trúc tài chính và được các cổ đông đồng tình.

Sau đó, Cty Trường Sa tiếp tục đưa ra 2 phương án tái cấu trúc doanh nghiệp: Một là bán tài sản để trả nợ. Hai là Trường Sa sẽ tái cấu trúc dự án nhà máy vôi tại Thanh Hóa, nhưng phải trả công cho họ 25% cổ phần.

Ông Thưởng đã đồng ý phương án này, nhưng cổ đông thì phản đối quyết liệt, vì cho rằng “tái cấu trúc chỉ là cái cớ để HĐQT bán công ty, giũ bỏ trách nhiệm và đẩy người lao động ra đường”.

Sau một thời gian thương lượng, ông Thưởng và 8 cổ đông lớn đã đồng ý bán 97,48% cổ phần cho Cty Trường Sa, trị giá 16,8 tỷ đồng (giá thỏa thuận).

Tuy nhiên, theo phản ánh của cổ đông, dù đã thay đổi Đăng ký kinh doanh mới từ 4/10/2011 và bàn giao quyền điều hành công ty, nhưng đến giờ, Cty Trường Sa vẫn chưa thanh toán tiền cho cổ đông.

“Cty Trường Sa không mất đồng nào mà đã thâu tóm được công ty, sử dụng xe ô tô, lấy tiền của công ty tiêu xài… Họ nói là tham gia tái cấu trúc nhưng cho đến giờ, Cty Kim khí Hải Phòng không có hoạt động gì. Chỉ có nguồn thu từ cho thuê mặt bằng để trả lương cho nhân viên hành chính, điện nước. Tất cả công nhân không có lương... Chúng tôi đã kêu cứu nhiều ban ngành thành phố, nhưng không có kết quả gì” – Một cổ đông bức xúc nói.

“Mỡ nó rán nó”

Theo ông Thưởng, trước đây khi đề nghị mua hết cổ phần, phía Trường Sa cam kết sẽ hỗ trợ tài chính để trả nợ, cam kết mua nguyên trạng doanh nghiệp (gồm cả khối nợ 86,5 tỷ đồng và lãi phát sinh - PV). “Nhưng về cam kết bàn giao nợ, họ chỉ nói mồm thôi.

Từ tháng 4/2012 đến giờ, họ chưa có động thái gì về việc xử lý nợ, cũng không bàn bạc với chúng tôi nữa”- Ông Thưởng nói. Trong khi đó, hiện nay, cả 3 chủ nợ đã khởi kiện Cty Kim khí Hải Phòng ra tòa, đòi phát mại tài sản.

“Lúc đầu, ý định của tôi là tái cơ cấu công ty này. Sau khi ổn định lại, Cty Vôi (100% vốn của Cty Kim khí Hải Phòng) sẽ mua lại cổ phần công ty. Nhưng từ khi vào công ty, phía Trường Sa cử người giữ 2 ghế trong HĐQT mà không có thay đổi gì cả. Vì bán đứt công ty rồi nên giờ quyền tái cấu trúc là của họ”- Ông Thưởng nói

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quốc Hùng, Giám đốc Cty Trường Sa cho biết: “Chúng tôi cam kết khi nào nhận bàn giao đầy đủ tài sản, tôi mới trả tiền mua cổ phần. Thời hạn thanh toán là trong vòng 3 tháng, tính từ thời điểm bàn giao tài sản. Vì tôi phải khai thác các tài sản đó để có tiền xử lý nợ với nhiều ngân hàng. Giờ chưa đến thời hạn, nên chưa trả”.

Ông Hùng cho rằng, vì các thành viên HĐQT cũ của Cty Kim khí Hải Phòng bàn giao tài sản chậm nên ông chưa thể trả tiền mua cổ phần.

Về cam kết tái cơ cấu công ty và rót vốn, ông Hùng cho hay: “Tôi đang xử lý. Vì bản thân công ty này dính đến nhiều khoản nợ khác nhau. Hồ sơ kiện công ty cũng nhiều, khá phức tạp. Mỗi chủ nợ có quan điểm đòi nợ khác nhau. Khi nào hai bên thống nhất được, lúc đó chúng tôi mới xử lý tiền để phục hồi lại”.

Tại Hải Phòng, ông Ngô Quốc Hùng cũng đã mua lại 18% cổ phần của một số cổ đông Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec thuộc Vinashin.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Quang - một thành viên khác của Cty Trường Sa - đã trở thành TGĐ Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec. Còn ông Phạm Hồng Điệp, nguyên Chủ tịch HĐQT- TGĐ công ty thì về nhà “ngồi chơi xơi nước”.