Bộ Tài chính rà soát việc xử phạt hàng hóa nhập khẩu chưa có nhãn phụ bằng tiếng Việt


Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát việc xử phạt hàng hóa nhập khẩu chưa có nhãn phụ bằng tiếng Việt của ngành Hải quan từ thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xử phạt nghiêm minh vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; đồng thời, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội doanh nghiệp... đối với nội dung liên quan đến nhãn mác hàng hóa, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính cho biết, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan cơ bản đã kế thừa quan điểm xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan; phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tuân thủ theo cam kết, dự thảo Nghị định thay thế sẽ bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế... 

Nghị định thay thế sẽ sửa đổi, bổ sung một số hành vi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý của hải quan hiện nay thông qua việc nghiên cứu các vụ việc vướng mắc điển hình phát sinh trong thực tế; đồng thời loại bỏ những hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và không xảy ra trong thực tế.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn cách thức xử lý hàng hóa nhập khẩu vi phạm về ghi nhãn mác.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, một số cơ quan hải quan tại các địa phương đã có phản ánh vướng mắc liên quan đến chế tài xử phạt đối với hàng hóa nhập khẩu không có nhãn hoặc có nhãn nhưng không thể hiện đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, trường hợp hàng hóa nhập khẩu không có nhãn theo quy định của pháp luật, cơ quan hải quan căn cứ quy định tại Khoản 7, Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP để xử phạt.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm b, Khoản 12, Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và các sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Trường hợp trên nhãn hàng hóa nhập khẩu không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, cơ quan hải quan căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Khoản 2, Điều 31, Điều 37 và Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa để xử phạt.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi.

Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

Mức xử phạt hiện hành đối với hàng hóa không ghi nhãn phụ theo quy định

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà chưa thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bằng Tiếng Việt. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không có nhãn phụ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 3 triệu đồng: Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3 triệu đồng được quy định như sau: Phạt tiền từ 1-4 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3-10 triệu đồng; Phạt tiền từ 4-7 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10-20 triệu đồng; Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20-30 triệu đồng; Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30-50 triệu đồng; Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50-70 triệu đồng; Phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70-100 triệu đồng; Phạt tiền từ 25-30 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng.