Bơm tiền chưa đủ cứu kinh tế

Theo Minh Tuấn (FT)

Đủ mọi biện pháp trong chính sách tiền tệ, từ lãi suất ngắn hạn gần 0, bơm tiền vào thị trường đến “nới lỏng định lượng” tới nay xem ra vẫn chưa phát huy tác dụng.

 

Khủng hoảng kéo dài đến vậy chủ yếu do tình trạng của khu vực ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu gần đây đã bơm thêm 442 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, nhưng tiền không đến được với nền kinh tế. Đình lạm kiểu Nhật Bản không còn là “khả năng” nữa, nó đã hiển hiện trước mắt.

Câu hỏi duy nhất là “nó” sẽ kéo dài bao lâu. Kể cả theo kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế thế giới cũng sẽ bị kéo lùi bởi thắt chặt tín dụng, thất nghiệp, phá sản tăng và điều chỉnh bảng kết toán tài sản của khu vực tài chính và hộ gia đình

Có lẽ nước Mỹ sẽ tiến gần tới một sự phục hồi thật sự vào thập kỷ tới, nhưng không phải năm 2010 hay 2011. Từ sự hợp tác thất bại ở cấp độ Liên minh Châu Âu, không giải quyết nổi vấn đề của khoảng 40 ngân hàng xuyên quốc gia của lục địa này, và đặc biệt là việc Đức không thể phân loại nổi tài sản độc hại tại Landesbanken, có thể thấy triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.

Những lời bình luận của quan chức cấp cao các ngân hàng trung ương từ Mỹ đến Châu Âu cho thấy họ rất hiểu tình hình hiện nay. Janet Yellen, đại diện của FED San Francisco, tuần trước cảnh báo phục hồi sẽ chậm chạp và khó khăn, thất nghiệp có thể đứng ở mức cao trong nhiều năm trong khi lãi suất tiếp tục thấp trong thời gian dài.

Tuyên bố bi quan của Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet khiến người ta nghĩ rằng, dù ai đó đang lạc quan thì ECB vẫn ngày càng lo lắng hơn. Ở Châu Âu, có nhiều bằng chứng cho thấy thắt chặt tín dụng đã thoái lui trong vài tuần trở lại đây. Phần lớn những bằng chứng đó đều không chắc chắn và chỉ khiến thị trường thêm hoài nghi.

Các công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản đổ lỗi cho ngân hàng, và số vụ phá sản thì ngày càng nhiều. Chỉ có kẻ ngốc mới thấy an tâm với các chỉ báo kinh tế tốt gần đây. Giữa thời khủng hoảng tài chính, những chỉ báo đó chỉ đo mức độ “ngây thơ” của những người được khảo sát mà thôi.

Vấn đề là hàng ngàn tỷ đôla và euro vẫn chưa được sử dụng. Không cần phải đổ lỗi cho ngân hàng. Ngài Trichet yêu cầu các ngân hàng hành xử có trách nhiệm. Cuối tuần qua, các chính trị gia Đức gây sức ép ghê gớm nhưng vô lý buộc ngân hàng phải tăng cường cho vay. Làm vậy chỉ phí thời gian vì thực tế, các ngân hàng đang hành xử có trách nhiệm khi từ chối cấp tín dụng cho những ai họ thấy không có khả năng trả nợ.

Bỏ qua các tác động từ bên ngoài, ngành ngân hàng vốn dĩ đã hưởng lợi khi kinh tế tăng trưởng. Đó là một trong những lý do vì sao phục hồi sức khỏe cho khu vực ngân hàng bằng bất cứ giá nào lại là điều kiện tiên quyết cho phục hồi kinh tế.

Ngân hàng trung ương dù có bơm vào lượng tiền lớn đến đâu cũng không thể giúp ngành ngân hàng phục hồi trong một khoảng thời gian ngắn nếu vấn đề cơ bản là thiếu thanh khoản.

Các thủ thuật kế toán cho phép ngân hàng đóng băng tài sản “xấu” trong các ngân hàng “xấu” như được Quốc hội Đức thông qua tuần trước cũng không giải quyết được vấn đề. Vì nền kinh tế Châu Âu phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng hơn so với Mỹ, yêu cầu phân loại khu vực ngân hàng lại càng bức thiết hơn bao giờ hết.

Sự tương tác giữa khu vực tài chính và nền kinh tế là cả trong ngắn hạn và dài hạn. Báo cáo quý mới đây nhất về khu vực eurozone của Ủy ban Châu Âu nói thẳng rằng cuộc khủng hoảng sẽ gây thiệt hại lâu dài đối với sản lượng của nền kinh tế, trừ khi các quốc gia thành viên EU bắt đầu theo đuổi những chính sách kinh tế khác hẳn.

Vài nước đang bị ám ảnh về chiến lược rút lui khỏi những chính sách hiện nay, khiến nguy cơ tăng trưởng kinh tế thấp, thu thuế giảm, cắt giảm thâm hụt và sản lượng thêm sụt giảm lại càng cao.

Nếu bà Yellen nói đúng về nền kinh tế Mỹ, sẽ chẳng có gói giải cứu nào cho nền kinh tế Châu Âu và Châu Á từ người tiêu dùng Mỹ. Nếu tình hình hiện nay kéo dài chỉ 5 năm thôi, các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu trên lục địa Châu Âu sẽ sụp đổ.

Người Châu Âu có nhiều việc phải làm hơn và họ phải thực hiện chúng trong điều kiện chính trị khó khăn hơn. Chính sách kinh tế chung của liên minh tiền tệ Châu Âu hiếm khi thành công ngay cả trong chu kỳ kinh tế bình thường, theo đó mục đích quan trọng nhất là ổn định và tăng trưởng cũng không đạt được.

Chính sách chung lại càng bất thường trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay khi các nguyên thủ như Angela Merkel và Nicolas Sarkozy đã trở về với bản chất dân tộc chủ nghĩa của mình. Đối với họ, sẽ còn tệ hơn nếu chấp thuận một chiến lược chung cho hệ thống ngân hàng