Nhiều trường hợp bị thương nặng do pháo tự chế:

Buôn bán, sử dụng pháo nổ bị xử lý như thế nào?

Theo Tân An/tbck.vn

Liên tiếp những ngày đầu năm 2019, thông tin về các trường hợp nghịch pháo dẫn đến bị chấn thương khiến dư luận không khỏi xót xa. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, hành vi mua bán, kinh doanh và sử dụng các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu (Điều 188 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Đốt đời” trong tiếng pháo

Tác hại của việc đốt pháo dường như ai cũng biết, nhưng những trò nghịch dại tự hủy hoại mình vì pháo vẫn tồn tại. Thông tin về những vụ tai nạn do pháo nổ lan truyền, nhiều người thể hiện xót xa vì sự bất cẩn, gây hại không đáng có, nhất là khi nó đã bị cấm. Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark tại thành phố Biên Hòa cho biết đơn vị vừa tiếp nhận, sơ cứu cho một thanh niên bị dập nát bàn tay phải do cầm vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Khoảng 21h45 ngày 12/1, anh N.V.T (28 tuổi, trú tại Bình Dương, Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) được người dân chuyển vào Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cấp cứu trong tình trạng nát bàn tay phải, đa tổn thương. Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và phần lòng bàn tay giữa hai ngón này bị tổn thương rất nặng.

Công an phường Long Bình Tân Biên Hòa, Đồng Nai) xác nhận: anh N.V.T bị nát bàn tay phải là do anh này cầm một quả pháo trên tay, bất ngờ quả pháo phát nổ khiến bàn tay bị thương nặng. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng tới hiện trường xử lý vụ việc, đồng thời đưa anh N.V.T vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi tiến hành sơ cứu và truyền dịch, do vết thương nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh điều trị theo yêu cầu của gia đình.

Sáng 4/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cũng điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Quốc H. (SN 1986, trú tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) bị tổn thương mắt do pháo hoa bắn vào. Trước đó, vào sáng 3/1, anh Nguyễn Quốc H. được người nhà đưa đến khoa Mắt, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới trong tình trạng hai mắt đau nhức và không thấy gì. Qua thăm khám và tiến hành các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, mắt phải bệnh nhân bị bỏng kết giác mạc độ 1, xuất huyết tiền phòng độ 2 và xuất huyết dịch kính. Mắt trái của bệnh nhân bị bỏng kết giác mạc độ 2 do nhiệt.

Theo lời kể của anh H., vào chiều tối ngày 1/1, bệnh nhân này cùng nhóm bạn tổ chức bắn pháo hoa tại địa phương. Trong lúc đốt, pháo bắn ngay vào hai mắt. Sau đó xuất hiện đau nhức và không nhìn thấy gì, lúc này bệnh nhân mới nhờ người nhà đưa đến bệnh viện. Sau khi điều trị tích cực, hiện tại mắt trái của bệnh nhân H. hồi phục tốt nhưng mắt phải vẫn bị tổn thương nặng do xuất huyết nội nhãn.

Mới đây nhất, thông tin từ Công an xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An, cho biết trên địa bàn này vừa xảy ra một vụ tai nạn nghi do nổ thuốc pháo tự chế khiến 5 người phải nhập viện cấp cứu. Phía Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho hay lúc 18h15 ngày 20/1, đơn vị này tiếp nhận cấp cứu hai bệnh nhân K.H. (18 tháng tuổi) và N.K.T. (15 tuổi), cùng ngụ xã Nam Cường trong tình trạng bỏng nặng độ 2 và độ 3 ở vùng đầu, mặt, tay, chân. Diện tích bỏng khoảng 25% cơ thể.

Sau ba ngày được các bác sĩ điều trị, chăm sóc tích cực, hai bệnh nhân H. và T. đã qua cơn nguy kịch, không còn phải thở ôxy. Riêng bệnh nhi H. bỏng nặng phần tay, theo các bác sĩ khả năng sẽ phải tái tạo da. Dự kiến, khoảng 2-3 tuần nữa, hai bệnh nhân H. và T. mới có thể xuất viện. Bệnh nhân H. và T. là hai trong số 5 bệnh nhân của vụ nổ thuốc pháo ở xã Nam Cường. Trong đó, 2 bệnh nhân nặng hơn đã được chuyển ra HN điều trị và một người khác đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh.

Vào khoảng 17h chiều ngày 20/1, Công an xã Nam Cường nhận được tin báo có vụ nổ xảy ra tại gia đình một hộ dân trên địa bàn xã, làm nhiều người bị phỏng. Khi cơ quan chức năng tới hiện trường, các nạn nhân đã được đưa tới cơ sở y tế cấp cứu; xung quanh còn mùi thuốc pháo nổ. Được biết, thời điểm xảy ra sự việc, một nam thanh niên 18 tuổi đang gom thuốc để cho vào vỏ pháo đã được cuốn sẵn thì bất ngờ phát nổ, gây thương tích cho 5 người. Sự việc đang được Công an huyện Nam Đàn điều tra làm rõ nguyên nhân.

Tai nạn chưa có xu hướng giảm

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có tới gần 200 trường hợp bị thương tích do pháo nổ, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số đó có nhiều nạn nhân phải nhập viện điều trị, thậm chí có trường hợp phải tháo khớp do ngón tay bị dập nát. Theo khuyến cáo của bác sĩ Ngô Tuấn Hưng (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia), các trường hợp tai nạn có liên quan đến pháo thường xảy ra ở cùng lứa tuổi thanh thiếu niên, là do các em tham khảo hướng dẫn tự chế trên mạng internet, rồi tự tìm kiếm hoặc mua vật liệu về điều chế.

Điều đáng lo là những tổn thương do phỏng thuốc pháo thường gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp. Trong trường hợp bị phỏng vùng mặt cổ, khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng về sau. Nếu phỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo làm ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, học tập hoặc và lao động sau này. Do đó nhà trường và gia đình cần giáo dục và phòng ngừa thanh thiếu niên không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ để tránh gây thương vong cho mình và cho người khác.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Dũng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học y dược Shingmark, những vết thương do pháo nổ có cách xử lý khác so với vết thương dập bàn tay thông thường, vì hóa chất của pháo dính vào trong vết thương. Do đó, để sơ cấp cứu những trường hợp bị tổn thương do pháo nổ, trước hết cần loại bỏ mảng bám do hóa chất, pháo hay chất bẩn dính vào vết thương rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện điều trị. Bên cạnh đó, vết thương bàn tay rất phức tạp, dễ để lại di chứng nên tùy tình hình vết thương, bệnh nhân được phẫu thuật theo chuyên ngành phù hợp.

Bác sĩ Hoàng Minh Thắng, Khoa Phẫu thuật Chấn thương chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức, cho biết ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt ngón 3,4,5 tới khối tụ cốt bàn tay, đặt lại khớp bàn thang ngón 1, kết hợp xương bàn ngón 2. Do đây là chấn thương trực tiếp, tai nạn do hỏa khí, chấn thương dập nát nên thường khó bảo tồn chi thể và việc trồng lại ngón tay rất khó. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp những tình trạng tắc mạch sau chấn thương và phần chi thể theo dõi bị hoại tử sẽ phải mổ nhiều lần. Thậm chí, với phần chi thể được bảo tồn thì chức năng cầm, nắm của bàn tay sau này cũng rất kém.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm có nhiều trường hợp nghịch pháo dẫn đến chấn thương và chủ yếu là chấn thương bàn tay, nhiều bệnh nhân phải cắt cụt một phần chi thể. Phần lớn nạn nhân là học sinh, sinh viên bị tai nạn do chưa nhận thức được mối nguy hiểm và tác hại của việc tự chế thuốc gây nổ.

Bị xử lý hình sự khi nào?

Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III của thông tư, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.

Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn); Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn) Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn).

Theo quy định, không chỉ hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm. Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý hành chính

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

"... 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép......

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ......

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này....".

Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ cho học sinh

Hơn một thập kỷ qua, kể từ khi Chính phủ đưa ra Chỉ thị số 406/TTg về việc cấm tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo thì tình trạng pháo nổ đốt công khai không còn nữa. Cũng có những hoài cảm về tiếng pháo đêm Giao thừa nhưng trên thực tế thì đốt pháo hại nhiều hơn lợi. Tiếng pháo khổ cho người già, trẻ nhỏ và cả phụ huynh của các bé phải bồng bế, vỗ về vất vả. Chưa kể còn rất nhiều vụ tai nạn, những hệ lụy khủng khiếp từ pháo. Chưa kể, nhiều người đâu chỉ đốt pháo giờ khắc Giao thừa, họ đốt từ nhiều ngày trước, đốt khi vui, khi phấn khích khiến hàng xóm đinh tai, nhức óc.

Khi bị cấm, đốt pháo là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn quá nhiều nguy hại cho cộng đồng. Do thành phần chủ yếu của pháo là thuốc nổ, thuốc súng, khi đốt phát nổ lớn kèm theo nhiều khói và mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến môi trường và những người xung quanh. Nguy hiểm nhất là những cửa hàng, kho chứa pháo không khác gì một quả bom, có thể phát nổ gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Còn nữa, việc đốt pháo gây tốn kém, lãng phí, cũng giống như tục đốt vãng mã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Việc sử dụng pháo không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn gây hại cho sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của người đốt và người khác.

Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, tình hình vi phạm về sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, do hiếu kỳ, muốn chứng tỏ bản thân, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên nhiều em đã có hành vi vi phạm.

Mặc dù các tổ chức chính trị, xã hội, các ban, ngành, đoàn thể cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên quan tâm, phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Có thể thấy, hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm về mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo vẫn còn khá nhiều. Một số học sinh chỉ vì muốn kiếm tiền nhanh từ việc buôn pháo để rồi vướng vào vòng lao lý; có em chỉ vì hiếu kỳ, muốn chứng tỏ bản thân nên đã mua pháo về đốt. Đối tượng vi phạm chủ yếu là những thanh niên mới lớn, ít có sự quan tâm, giáo dục, quản lý từ phía gia đình. Một phần nữa là do sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng khi để pháo lọt qua các cửa khẩu, biên giới tuồn vào địa bàn.

Trước tình hình đó, nhằm giúp các em hiểu rõ việc sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và gây nên cháy nổ, làm thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản, thời gian qua, Công an các tỉnh trong cả nước đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, thu hồi pháo; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo, kiên quyết không sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại buổi tuyên truyền phòng, chống pháo nổ ở Trường THPT Hà Huy Tập (Nghệ An) vào ngày 22/12/2018 vừa qua, học sinh đã được phổ biến các nội dung của Pháp lệnh số 16/2011/UBTV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo cũng như một số tác hại do pháo nổ, vật liệu nổ và công cụ tự chế gây ra. Qua công tác tuyên tuyền, giúp các em nâng cao ý thức, tích cực vận động người thân và những người xung quanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống pháo nổ.

Thầy giáo Trần Cao Cương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập chia sẻ: Đây là hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức, hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, không mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ; không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Từ đó, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền người thân, gia đình, quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Để học sinh không vi phạm về sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và nhà trường thì gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, chính mỗi người dân phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để làm tấm gương cho thế hệ thanh, thiếu niên noi theo.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình, TP. Hồ Chí Minh), pháp luật đã ban hành Thông tư 06 và Nghị định 36 nghiêm cấm các hành vi sản xuất, tự chế tạo pháo bằng mọi hình thức. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào định lượng, số lượng nhất định để có các biện pháp chế tài, xử phạt về mặt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Mặt khác, pháo nổ cũng thuộc danh mục hàng hóa cấm sản xuất, buôn bán.

Do đó, người có hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 185 năm 2013, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo quy định tại điều 190 và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Hùng khuyến cáo thời điểm gần Tết ai cũng muốn sum họp gia đình, nên để được hưởng trọn niềm vui ngày Tết, các cá nhân không nên tham gia hoạt động gây nguy hiểm có liên quan đến pháo nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.