Cần cụ thể hóa chế tài xử lý nợ đọng bảo hiểm

Theo Quốc Túy/daibieunhandan.vn

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN), nhiều địa phương và tỷ lệ nợ vẫn còn cao. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, cần cụ thể hóa các chế tài quản lý, xử phạt để đạt hiệu quả cao hơn.

Ngành BHXH duy trì hội nghị trực tuyến hàng tháng thông tin, giải đáp chính sách bảo hiểm cho người dân. Nguồn: Internet
Ngành BHXH duy trì hội nghị trực tuyến hàng tháng thông tin, giải đáp chính sách bảo hiểm cho người dân. Nguồn: Internet
Xử lý nhiều nhưng nợ giảm không đáng kể

BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2017, đã thực hiện trên 4.000 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các DN, đơn vị nợ BHXH kéo dài. Tuy nhiên, sau khi cơ quan BHXH ra quyết định xử phạt chỉ có hơn 40% DN đồng ý khắc phục. Hiện có khoảng 8.000 DN đang “mất tích” với số nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện tổng số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 5.737 tỷ đồng, ở mức dưới 3% so với kế hoạch thu BHXH được giao (giảm 0,8% so với năm 2016).

BHXH Việt Nam cho biết, đang gặp nhiều khó khăn đối với những trường hợp chủ DN bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, DN chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH cho người lao động trong các đơn vị, DN này.

Hiện tại, BHXH đang tập trung phân loại các trường hợp nợ đọng để có cách xử lý phù hợp. Cụ thể, trường hợp DN nộp chậm dưới 1 tháng sẽ bị nhắc nhở; nộp chậm từ 2 - 3 tháng bắt đầu tính lãi chậm đóng; nộp chậm từ 3 tháng trở lên tiến hành thanh tra, ra quyết định xử phạt. Cơ quan BHXH cũng sẽ xem xét, sàng lọc DN chây ỳ nợ BHXH, sau đó chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.

Cùng với đó, để góp phần hạn chế tình trạng nợ BHXH kéo dài, bảo đảm quyền lợi về BHXH cho người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 16 điều, nhằm giải quyết quyền lợi về bảo hiểm của người lao động trong các DN giải thể, phá sản hoặc DN có chủ bỏ trốn.

Cụ thể hóa chế tài

Theo các cơ quan chức năng, dự thảo Nghị định về quản lý thu nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp đã đưa ra quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ cho những trường hợp này sẽ được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH. Theo đó, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được chia thành 4 loại. 

Thứ nhất, nợ chậm đóng là các DN đơn vị có thời gian nợ dưới 1 tháng. 

Thứ hai, nợ đọng là các trường hợp có thời gian nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. 

Thứ ba, nợ kéo dài là các DN, đơn vị có thời gian nợ từ 3 tháng trở lên. 

Thứ tư là nợ khó thu, gồm các trường hợp: Đơn vị, DN “mất tích”; DN, đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; DN, đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; DN, đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; DN, đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; DN, đơn vị nợ BHXH đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, DN, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.