“Cẩn trọng” với hoạt động cho vay ngang hàng

PV.

Cần đẩy nhanh việc nghiên cứu các mô hình và kinh nghiệm quản lý, giám sát đối với hoạt động cho vay ngang hàng trên thế giới nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tế tại Việt Nam. Từ đó, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro và tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia, đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp (DN), từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của bà Dương Nguyễn - chuyên gia kinh tế khu vực tài chính từ Vụ Đông Nam Á (thuộc ADB), thị trường cho vay ngang hàng (P2P) toàn cầu ước tính sẽ có mức tăng trưởng lên tới 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỷ USD vào năm 2020. Riêng tại Trung Quốc giai đoạn 2014-2017, dư nợ cho vay ngang hàng đã đạt xấp xỉ 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Tại Việt Nam, với sự bùng nổ của các công ty Fintech, nền tảng cho vay ngang hàng đang hoạt động ngày càng rầm rộ trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, một số công ty đang biết đến nhiều trong hoạt động này như Lenbiz, Tima… Theo các chuyên gia, trong số hơn 40 công ty đang hoạt động trên thị trường, có những mô hình hoạt động khá hiệu quả, nhất là những công ty cho vay nhắm vào phân khúc DN vừa và nhỏ.

Có thể nói, cho vay ngang hàng có tiềm năng phát triển rất lớn, giúp các cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận tài chính và qua đó góp phần quan trọng giúp các quốc gia trong nỗ lực phát triển tài chính toàn diện. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, điểm tích cực nổi bật của mô hình này là giúp cho nhiều người tiếp cận vốn một cách dễ dàng, nhất là những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, không có tài sản bảo đảm thế chấp. Cùng với đó, với thủ tục đơn giản, chỉ sau 30 phút là khách hàng có thể vay nhanh với giá trị vay rất thấp chỉ một vài triệu đến vài chục triệu. Trên một góc nhìn khách quan khách, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính trong kỷ nguyên số hóa…

Tuy nhiên, việc chưa có khung pháp lý đối với mô hình này khiến cho hoạt động cho vay ngang hàng nên việc quản lý đang gặp rất nhiều thách thức. Hiện nay, do chưa được cấp phép hoạt động chính thức, các công ty cho vay ngang hàng đều đang hoạt động núp bóng tư vấn đầu tư. Từ đó, sẽ đẩy rủi ro cho người đi vay khi không có cơ quan pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn, các công ty này thường chào mời vay với lãi suất thấp nhưng lại kèm theo nhiều hình thức phạt làm tăng chi phí cho người vay rất lớn như lãi suất phạt chậm trả tiền lãi, gốc… Do đó, nếu không tỉnh táo người vay sẽ rơi vào bẫy lãi suất của các công ty cho vay ngang hàng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần phải có khung pháp lý chặt chẽ và thanh tra giám sát hoạt động của mô hình này để không xảy ra biến tướng, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hiện nay, nhiều quốc gia đã nghiên cứu, đưa ra các khuôn khổ chính sách để giám sát và quản lý đối với hoạt động P2P lending. Tháng 8/2016, Chính phủ Trung Quốc đã quy định các biện pháp tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh của các trung gian thông tin cho vay ngang hàng. Tiếp đó đến tháng 12/2017, NHTW Trung Quốc và Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc cùng ban hành các quy định mới đối với hoạt động này. Các quy định quản lý được đưa ra đã khiến số DN cho vay ngang hàng giảm nhanh chóng, từ khoảng 3.500 DN xuống chỉ còn 1.600 DN như hiện nay. Trước đó, sau một thời gian mọc lên “như nấm sau mưa” (giai đoạn trước năm 2016) đã có rất nhiều DN sụp đổ bởi thực tế có nhiều DN lợi dụng hoạt động này để lừa các nhà đầu tư.

Hiện một số nước ASEAN cũng đã ban hành hoặc đang có nghiên cứu và hoàn thiện để ban hành khuôn khổ quy dịnh về cho vay ngang hàng. Đơn cử, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore quy định hoạt động này trong Luật Chứng khoán và hợp đồng phái sinh và Luật tư vấn tài chính; NHTW Thái Lan ban hành Cẩm nang triển khai Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho vay ngang hàng; Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính của Indonesia đã ban hành các quy định về cho vay ngang hàng vào năm 2017…

Theo các chuyên gia tài chính, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro và các vấn đề liên quan, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay ngang hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu các mô hình cho vay ngang hàng trên thế giới, kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động này nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tế tại Việt Nam, đồng thời phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro và tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia, đảm bảo an toàn cho người dân và DN, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.