Cảnh báo các thủ đoạn chống chuyển giá của doanh nghiệp FDI
Mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp, tối đa hóa lợi nhuận của cả tập đoàn, của cả tổng công ty. Với mục tiêu đó, nhiều doanh nghiệp FDI Việt Nam đã thực hiện các hành vi chuyển giá.
Các thủ thuật chuyển giá của doanh nghiệp FDI
Hiện nay, tại Việt Nam, một số thủ thuật chuyển giá mà các nhà đầu tư nước ngoài thường sử dụng gồm: Thủ thuật nâng giá tài sản cố định (TSCĐ) khi góp vốn đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia thường tính giá cao hơn so với giá thị trường cho những máy móc, thiết bị nhập khẩu để góp vốn đầu tư ở Việt Nam.
Năm 2003, Việt Nam đã thuê Công ty Thẩm định giá quổc tế của Thụy Sĩ (SGS) thẩm định lại giá TSCĐ góp vốn của 13 DN liên doanh tại Việt Nam. Kết quả xác định các nhà đầu tư nước ngoài đã tính giá TSCĐ để góp vốn cao hơn thực tế lên tới trên 10 tỷ USD.
Bằng việc tính giá TSCĐ cao hơn thực tế khi góp vốn liên doanh như nói trên, nhà đầu tư nước ngoài thu được nhiều lợi ích và đạt được nhiều mục tiêu trong phát triển sản xuất kinh doanh:
Thứ nhất, việc tính giá TSCĐ cao hơn thực tế khi góp vốn liên doanh, bên nước ngoài sẽ nhanh chóng thu hồi được số vốn góp thông qua việc khấu hao TSCĐ hàng năm.
Thứ hai, với số vốn góp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn của liên doanh, bên nước ngoài sẽ nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong liên doanh để dễ bề quyết định việc tính giá trong DN.
Thứ ba, với số vốn lớn góp vào liên doanh, khi phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, bên nước ngoài sẽ được chia lợi nhuận nhiều hơn.
Thứ tư, khi tỷ trọng vốn góp của bên nước ngoài tăng lên cao hơn, bên Việt Nam sẽ được yêu cầu phải góp bổ sung vốn cho tương xứng như đã thỏa thuận khi thành lập liên doanh.
Thứ năm, việc tính giá TSCĐ góp vốn cao hơn thực tế nên số khấu hao TSCĐ cũng tăng lên tương ứng làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến giảm lãi hoặc bị lỗ, do đó DN nộp ít hoặc không phải nộp thuế TNDN ở Việt Nam. Số thuế TNDN mà Nhà nước Việt Nam không thu được do DN khai “lỗ” sẽ biến thành lợi nhuận chuyển ra nước ngoài của các DN FDI ở Việt Nam.
Cùng với việc tính giá TSCĐ cao hơn thực tế khi góp vốn đầu tư vào liên doanh như nói trên, các DN liên doanh còn có các thủ thuật khác để chuyển giá, như nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất của DN. Giá đầu vào cho sản xuất thì tính cao nhưng DN lại tính giá bán sản phẩm thấp cho các công ty liên kết trong cùng một tập đoàn dẫn đến DN kê khai lỗ và không nộp thuế TNDN ở Việt Nam.
Các DN FDI còn chuyển giá thông qua hình thức chuyển giao tài sản vô hình, thường là công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý, điều hành và quản trị DN... Các chi phí này thường chiếm một khoản rất lớn trong tổng chi phí của DN nên cũng thường gây lỗ cho DN. Tài sản vô hình thường là tài sản độc quyền của chủ sở hữu bên nước ngoài nên bên Việt Nam rất khó thẩm định được giá theo nguyên tắc thị trường.
Một thủ thuật chuyển giá khác mà các DN FDI thường áp dụng là thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ từ công ty mẹ ở nước ngoài. Các dịch vụ được cung cấp với giá rất cao, thường là sửa chữa máy móc thiết bị, bảo dưỡng, đào tạo công nhân kỹ thuật, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, môi giới...
Chú trọng quản lý thông tin của các doanh nghiệp để chống chuyển giá
Chuyển giá và chống chuyển giá đã trở thành vấn đề toàn cầu. Các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ chống chuyển giá hiện nay của Việt Nam là được thừa hưởng các kết quả nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới, trong đó tiêu biểu là các biện pháp có tính phổ quát của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triền (OECD) và của Mỹ. Nhiều biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ về chống chuyển giá đã được xuất bản thành sách và thường xuyên được bổ sung hoàn thiện để phổ biến cho các nước tham khảo, vận dụng.
Ở nước ta, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, trong đó có vận dụng các phương pháp, các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ về chống chuyển giá của OECD và của Mỹ.
Một số phương pháp cơ bản đã được đưa vào Nghị định số 20/2017/NĐ-CP như: So sánh giá giao dịch liên kết với giá giao dịch độc lập; so sánh tỷ suất lợi nhuận giữa các DN; phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết; phương pháp phân tích giao dịch cung cấp dịch vụ giữa các bên liên kết; áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA)...
Tuy nhiên, để thực hiện được những phương pháp này và nhất là mức độ về kết quả đạt được đến đâu còn tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của những thông tin về giá cả thị trường, thông tin về hoạt động của các DN mà cơ quan thuế có được. Rõ ràng là trong quản lý thì thông tin về đối tượng quản lý là quan trọng nhất vì không hiểu biết về đối tượng quản lý thì không thể quản lý được.