Cảnh báo về công nghệ khó tin của tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Theo Phước An/vietnamnet.vn

Tội phạm lừa đảo qua mạng có thể sao chép thông tin danh bạ, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng của bạn chỉ trong vòng 3 giây nếu bạn tải app hoặc làm theo hướng dẫn của chúng.

Cảnh báo thủ đoạn nghe 3 giây chép hết thông tin của tội phạm lừa đảo qua điện thoại.
Cảnh báo thủ đoạn nghe 3 giây chép hết thông tin của tội phạm lừa đảo qua điện thoại.

Theo đó, gần đây phòng Cảnh sát hình sự cùng Công an 1 số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM liên tiếp nhận được trình báo của nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại.

Thực tế có nhiều người 'sập bẫy' mất số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng sau khi nghe những cuộc điện thoại có đầu số lạ, giả danh cơ quan Công an, Viện KSND, Toà án, nhân viên bưu điện, Hải quan.

Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA.TPHCM nhóm tội phạm này đánh vào tâm lý của người dân kém hiểu biết, doạ là họ có liên quan đến đường dây tội phạm như: ma tuý, rửa tiền… hoặc các vụ án hình sự khác. Thậm chí chúng còn làm giả lệnh bắt giam, khởi tố gửi đến nạn nhân thông qua mạng xã hội, làm tăng mức độ nghiêm trọng.

Chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và tiếp tục yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra. 

Khi các nạn nhân cố chứng minh không liên quan đến hoạt động tội phạm, sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Tiền vừa chuyển nhanh chóng bị rút, hoặc chuyển tới các ngân hàng trong và ngoài nước.

Những đối tượng lừa đảo qua điện thoại còn làm giả lệnh bắt giam để đánh vào tâm lý của nạn nhân nhằm thực hiện chiêu thức lừa đảo cực kỳ tinh vi.
Những đối tượng lừa đảo qua điện thoại còn làm giả lệnh bắt giam để đánh vào tâm lý của nạn nhân nhằm thực hiện chiêu thức lừa đảo cực kỳ tinh vi.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự chỉ ra hàng loạt đầu số lừa đảo mà nạn nhân nhận được từ các đối tượng giả danh. Phổ biến là đầu số được mã hoá +84069… giống với đầu số Bộ Công an. Ngoài ra, tội phạm lừa qua điện thoại còn mã hoá hàng loạt đầu số khác như: +375, +371, +381, +563, +370, +255…

Ông Nam khuyến cáo, nếu người nào gọi lại các số điện thoại có các đầu số lạ như trên thì lập tức các đối tượng tội phạm có thể sao chép danh sách liên lạc của bạn trong vòng 3 giây. Nếu người nào có thông tin tài khoản ngân hàng, thể tín dụng trên điện thoại thì cũng bị sao chép ngay lập tức.

“Người nhận điện thoại lạ tốt nhất là không trả lời, không gọi lại. Nếu bạn thực hiện các thao tác #90, #09… theo hướng dẫn thì các đối tượng tội phạm truy cập vào thẻ sim của bạn. Chúng dễ dàng thực hiện các cuộc gọi chi phối bạn và khủng bố bạn như một tội phạm”, ông Nam cảnh báo.

Công an TP.HCM đã phối hợp với các ngân hàng nhằm đối phó với loại hình tội phạm tinh vi trên. Những giao dịch chóng vánh có dấu hiệu không bình thường, phía ngân hàng lập tức tạm chặn lại để báo cho chủ tài khoản biết và phối hợp với cơ quan Công an nhằm xác minh, xử lý.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo, những trường hợp đầu số lạ gọi đến người dân thông báo có hộp quà hay nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng thì không nên tin theo. Bên cạnh đó, trường hợp người xưng là cán bộ các cơ quan công quyền như: Công an, Viện KSND hay toà án gọi đến để làm việc điều tra, xác minh thì càng không tin.

Bởi lẽ, những hoạt động trên được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cụ thể cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, chứ không mới làm việc, thông báo qua điện thoại. Trường hợp người dân nhận được những cuộc gọi điện thoại lạ, xưng là người của cơ quan công quyền hay yêu cầu chuyển tiền thì lập tức báo với cơ quan Công an gần nhất để phối hợp điều tra, xử lý.