Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại tuyến biên giới Lào Cai

Theo T. Lan/bcd389.gov.vn

Dự báo, từ nay đến cuối năm số vụ vi phạm thường gia tăng so với những tháng trước vì nhu cầu tiêu dùng tăng do vậy, các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai và các huyện, thành phố có tuyến biên giới đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhất là các địa bàn dễ phát sinh buôn lậu như khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở biên giới.

Phó Thủ tướng Thường trực- Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình kiểm tra công tác chống buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh Lào Cai. Ảnh: TH
Phó Thủ tướng Thường trực- Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình kiểm tra công tác chống buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh Lào Cai. Ảnh: TH

Thời gian qua, trên tuyến biên giới vẫn là lợi dụng địa hình sông, suối, các đường mòn, lối mở, đêm tối, giờ cao điểm tập kết hàng hóa ở khu vực giáp biên giới, sau đó chia nhỏ, lẻ thuê cư dân mang, sách vận chuyển trái phép qua biên giới. Trong nội địa các đối tượng cất dấu, để lẫn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng với các hàng hóa khác để vận chuyển, bày bán...

Địa bàn trọng điểm là khu vực dọc hai cánh gà cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tuyến biên giới, một số điểm tập kết hàng hóa tại khu vực các phường Duyên Hải, Lào Cai, Phố Mới, các chợ đầu mối, bến xe, bến tầu, một số tuyến quốc lộ. Hàng xuất lậu chủ yếu là các loại nông sản; hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, giày dép, quần áo, bánh kẹo, phụ tùng xe máy, hoa quả tươi.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các sở ngành, lực lượng chức năng, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất khẩu quặng sắt; thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nhất là xuất khẩu nông sản...

Trên tuyến biên giới, cửa khẩu, các lực lượng chức năng và các huyện, thành phố có tuyến biên giới đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhất là các địa bàn dễ phát sinh buôn lậu như khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở biên giới; kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, mặt hàng trọng điểm, kiên quyết đấu tranh xử lý, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Trong thị trường nội địa, các sở ngành, lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giữ ổn định thị trường, giá cả; tăng cường kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá; buôn bán, vận chuyển gia cầm, lâm sản trái phép...tập trung vào các nơi phát luồng hàng hóa như: nhà ga, bến xe và các đầu mối thu gom, tập kết hàng nhập lậu; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các chợ trung tâm, chợ đầu mối, chợ phiên...

 Các ngành, lực lượng quản lý biên giới: Hải quan, Biên phòng, Công an, Ban Quản lý cửa khẩu, Kiểm dịch phối hợp thực hiện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho người xuất nhập cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo đúng quy định.

Qua đó đã góp phần kiềm chế, kiểm soát buôn lậu, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng...số vụ xử lý về buôn lậu tăng (chủ yếu là trong nội địa và mang tính chất nhỏ lẻ) là do các lực lượng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý, nắm bắt địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để kịp thời phối hợp kiểm tra, bắt giữ, xử lý; lực lượng chức năng quản lý biên giới phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra kiểm soát do vậy hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới giảm cả từ hai phía. Tổng giá trị xử lý giảm mạnh so với cùng kỳ là các chỉ tiêu so sánh đều giảm mạnh, nhất là tiền phạt bổ sung, truy thu thuế trong kỳ báo cáo giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389 tỉnh Lào Cai chỉ đạo các đơn vị quản lý biên giới, cửa khẩu, các huyện có tuyến biên giới, Đội kiểm soát liên ngành chống buôn lậu tỉnh tiếp tục triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc địa bàn trọng điểm, nhất là các cửa khẩu, lối mở biên giới, oa trữ, nơi tập kết hàng hóa tại khu vực biên giới; nắm bắt, xác định các mặt hàng trọng điểm, đối tượng, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng chuyên vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới; tăng cường  kiểm tra chặt chẽ hàng hóa cư dân biên giới; kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về buôn bán hàng cấm (pháo nổ, ma túy, công cụ hỗ trợ, đồ chơi mang tính bạo lực), hàng lậu (rượu bia, thuốc lá, bánh mứt kẹo, thuốc chữa bệnh, dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến, gia cầm, sản phẩm gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu...), hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong khai báo hải quan, khai báo thuế...tăng cường các biện pháp kiểm tra phòng, chống dịch bệnh xâm nhập qua biên giới vào trong nội địa.

Thị trường nội địa tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa; kiểm tra về nguồn gốc, bao bì, tem nhãn, hạn sử dụng hàng hóa, kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng các loại bánh  sau Tết Trung thu nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả.

Các sở ngành, lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chủ động nắm bắt địa bàn, đối tượng, các tụ điểm, nơi tập kết hàng; thường xuyên phối hợp, chia sẻ thông tin về đối tượng, mặt hàng mà các đối tượng thường buôn lậu; phương thức thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn mới phát sinh. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách, quản lý tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.