Chế tài cho vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài

Theo báo Đầu tư

Với trên 800 triệu USD đầu tư ra nước ngoài vào tháng 1/2011, khoảng 145 triệu USD vừa được cấp phép đầu tư sang Lào vào đầu tháng 2/2011, hoạt động đầu tư ra nước ngoài năm 2011 đã khởi đầu suôn sẻ.

Phần lớn số vốn này thuộc về hai dự án đầu tư trong lĩnh vực thuỷ điện tại Campuchia và Lào của Công ty cổ phần EVN quốc tế và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Theo thông tin cập nhật từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khả năng ngay trong tháng 2/2011 này, thêm một dự án trong lĩnh vực thủy điện nữa sẽ được cấp phép. Được biết, dự án này thuộc về một tổng công ty lớn của Nhà nước.

Nhìn vào dữ liệu về chủ đầu tư các dự án mới được cấp phép có thể thấy, ngoài Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 145 triệu USD xây dựng thủy điện Nậm Kông 2 và 3 tại Lào, thì chủ đầu tư các dự án còn lại là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc các doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nếu như tính cả một số dự án quy mô nhỏ khác như Vietinbank mở chinh nhánh tại Đức hoặc thông tin về Viettel vừa thắng thầu giấy phép viễn thông tại Peru, có thể thấy tính áp đảo của chủ đầu tư nhà nước trong đầu tư ra nước ngoài sẽ tiếp tục.

Cũng phải nói thêm rằng, theo phân tích số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, phần lớn các chủ đầu tư nhà nước sử dụng vốn chủ sở hữu đã đầu tư ra nước ngoài, có nghĩa là vốn có nguồn gốc vốn nhà nước. Chỉ tính riêng 5 tập đoàn nhà nước, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội và Tổng công ty Sông Đà, tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài vào khoảng 1,24 tỷ USD, chiếm khoảng 69% tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài để đầu tư của tất các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, lợi nhuận chuyển về nước của đa phần các dự án này chưa có, hoặc rất ít. Theo con số công bố của Cục Đầu tư nước ngoài thì mới khoảng 31,6 triệu USD lợi nhuận được chuyển về nước và toàn bộ là của dầu khí.

Nguyên do được xác định là các dự án phần lớn tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài như khai khoáng, dầu khí, trồng cao su, điện… nên hiệu quả đầu tư chưa lượng hoá rõ. Thêm vào đó, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, thì việc chấp hành chế độ báo cáo của các doanh nghiệp theo Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa được thực hiện nghiêm túc. “Tình trạng thiếu thông tin cũng như thiếu cơ chế giám sát riêng về các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm soát chi phí quản lý doanh nghiệp cả dự án đầu tư tại nước ngoài đối với các dự án có sử dụng vốn có nguồn gốc vốn nhà nước càng khiến việc đánh giá hiệu quả vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước tại nước ngoài trở nên rất khó khăn”, một chuyên gia về đầu tư ra nước ngoài phân tích và cho rằng, thực tế này khiến số vốn đầu tư chuyển ra ngoài càng nhiều, thì rủi ro sẽ càng lớn.

Mặc dù vậy, đề xuất áp dụng pháp luật về đấu thầu trong các hoạt động mua sắm hàng hoá, tư vấn và xây lắp đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, trong đó nhà đầu tư Việt Nam nắm giữ 100% vốn hoặc nắm quyền chi phối trong dự án mà Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 78/2006/NĐ-CP đưa ra lại chưa thực sự được các chủ đầu tư đồng thuận.

Cái khó mà các chủ đầu tư nêu ra, đó là những quy định có thể không thống nhất giữa pháp luật của Việt Nam và pháp luật của các nước nhận đầu tư trong những tình huống này. Bên cạnh đó, việc thuyết phục các đối tác trong liên doanh thực hiện theo các quy định đấu thầu của Việt Nam cũng không đơn giản.

Mặc dù vậy, một thành viên ban soạn thảo thẳng thắn nói, nguyên tắc chính đặt ra là phải quản lý chặt chẽ hơn đối với dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, đảm bảo hiệu quả của vốn nhà nước. “Để làm được điều này, Dự thảo Nghị định bổ sung một chương về đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước với nguyên tắc là phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước”, vị chuyên gia này nói.

Như vậy, chắc chắn sẽ có các quy định mới về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như trách nhiệm của cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư. Điều quan trọng, các quy định mới phải đủ để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, vừa đảm bảo các cơ quan nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm trong giám sát và kiểm soát hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước.