Chế tài mạnh chặn đứng mỹ phẩm giả

Theo Tuệ Minh/congthuong.vn

Bắt đầu từ ngày 15/10/2020, bán mỹ phẩm giả có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. Đây là mức tiền phạt cao nhất được đưa ra tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tràn lan mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc

Mỹ phẩm là một trong những mặt hàng dễ làm giả nhất. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người tiêu dùng ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng ngày càng gia tăng bằng những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Thậm chí, có doanh nghiệp mỹ phẩm chân chính đã phải gửi công văn “kêu cứu” đến các cơ quan chính phủ về vấn nạn này.

“Dựa theo số liệu trên cả 2 kênh phân phối online và offline, thị trường mỹ phẩm của LOreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%” - bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty LOreal Việt Nam - chia sẻ.

che tai manh chan dung my pham gia
Lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện mỹ phẩm nhập lậu với số lượng lớn

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước liên tục phát hiện kho hàng mỹ phẩm nhập lậu và cơ sở sản xuất mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng với số lượng lớn. Cuối tháng 8 vừa qua, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện một kho hàng chứa 4.800 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá gần 2,2 tỷ đồng có dấu hiệu nhập lậu. Trước đó, Cục QLTT Bình Thuận cũng kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đang kinh doanh lô hàng 1.823 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Cũng trong tháng 8, Cục QLTT Long An đã tiêu hủy trên 1 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm của bà Cao Thị Ngọc Bích và Công ty TNHH mỹ phẩm Nhân Thuận Phát. Tất cả các cơ sở này đều sản xuất mỹ phẩm không có giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra thị trường...

Tăng xử phạt lên gấp đôi

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50-70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng kinh doanh hàng mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt 100 - 140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả. Tuy nhiên, liệu đây đã là chế tài đủ mạnh để “chặn” triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả. Bởi, lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc cao gấp nhiều lần so với việc phạt hành chính.

Trước thực trạng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đang rao bán tràn lan như hiện này, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ và nên mua tại các địa chỉ uy tín. Đồng thời, thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng.