Chế tài mạnh xử lý hàng xách tay thao túng thị trường


Ngày 15/10, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Nghị định được lực lượng chức năng kỳ vọng là chế tài mạnh xử lý đối với tình trạng hàng xách tay tràn lan thao túng thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường

Trong những năm gần đây, hàng xách tay trở nên hấp dẫn do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Tuy nhiên trên thực tế, không ít doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay. Các hoạt động này diễn ra công khai, tràn lan nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thực chất hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ.

TS. Đinh Trọng Thịnh ( Học viện Tài chính) cho rằng, cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Bởi nó gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Ông Thịnh đặt vấn đề hàng xách tay sao có nhiều thế, mua bán tràn lan suốt bao năm nay?

Theo quy định của hải quan, thực tế trong khâu quản lý của ngành hải quan không tồn tại khái niệm “hàng xách tay”, chỉ có hàng ngoài định mức miễn thuế đối với hành khách mà thôi. Theo quy định, khách khi nhập cảnh mang theo hàng hóa trong định mức quy định thì sẽ được miễn thuế, còn trên giá trị này thì phát sinh nghĩa vụ đóng thuế.

Cơ quan Hải quan cho biết trong thời gian qua, nhiều lô hàng nhập lậu được công an kinh tế và lực lượng hải quan phát hiện, thu giữ, trong đó phần lớn là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép... Không chỉ có hành vi trốn thuế, những mặt hàng này nếu trót lọt đưa ra thị trường sẽ đem đến nguy cơ cho người sử dụng vì không phải qua kiểm tra chuyên ngành như kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm định chất lượng...

Tăng nặng mức xử phạt hành vi nhập lậu hàng hóa

Ngày 15/10, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.

Đáng chú ý, quy định này đồng nghĩa với việc bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định trong Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, hành vi buôn lậu cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo cơ quan Hải quan, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc ẩn chứa nguy cơ gây thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi đó, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và chất lượng hàng nội địa còn hạn chế đã làm cho thị trường hàng xách tay vẫn có đất sống.