“Chết” vì … hàng xách tay

Theo Trần Thế - Mai Ca/baocongthuong.com.vn

Ở TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng ngày nay không xa lạ với các loại hàng hóa mang tên “hàng xách tay” vì nó được bán tràn ngập trên thị trường.

Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức tiêu hủy hàng tấn đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng nhập lậu tại huyện Bình Chánh ngày 15/6/2018. Nguồn: baocongthuong.com.vn
Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức tiêu hủy hàng tấn đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng nhập lậu tại huyện Bình Chánh ngày 15/6/2018. Nguồn: baocongthuong.com.vn

Loạn hàng xách tay

Hàng xách tay là khái niệm chỉ các mặt hàng tiêu dùng nhập lậu, chủ yếu là những món hàng gọn nhẹ, có giá trị cao như đồng hồ, điện thoại di động, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giày dép…

“Hàng xách tay tuồn vào thị trường Việt Nam hiện nay không thuần túy là các mặt hàng chứa đựng trong hành lý của hành khách qua cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế mà nó được kết thành kiện, container đội lốt hàng nhập khẩu hợp pháp, hàng quá cảnh với số lượng lớn”, một cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trước đây hàng xách tay sau khi lọt cửa hải quan thường buôn bán lén lút, dấm dúi trao đổi, hiện nay thì bán công khai và cung cấp tận tay người tiêu dùng. Không chỉ bán hàng xách tay qua mạng, các mặt hàng kiểu này còn được lập thành cửa hiệu, quảng cáo công khai ở nhiều tuyến đường, khu phố ngay giữa trung tâm thành phố.

Điển hình như cửa hàng Nhật nội địa (đường Hai Bà Trưng, quận 1); cửa hàng Thái (Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp; Nguyễn Duy Trinh quận 2); hàng Nga chính gốc (Bạch Đằng, quận Tân Bình); cửa hàng bánh kẹo Mỹ (Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 và đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận)…

Nhằm thu hút một lượng lớn khách hàng sính hàng ngoại, các cửa hàng thi nhau xây dựng bảng hiệu to đùng quảng cáo “Hàng xách tay chính hãng”, “Xách tay hàng Mỹ, Anh, Pháp”, “Đồng hồ chính hãng xách tay”, “Mỹ phẩm châu Âu, Nhật”, “Hàng chính hãng xách tay giá rẻ”... mà không hề hấn gì.

Tại một cửa hàng mỹ phẩm bán hàng xách tay trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), chúng tôi được nhân viên không ngừng giới thiệu sản phẩm làm đẹp xuất xứ Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan với giá siêu mềm. Đơn cử, nước hoa hồng Evduderm Lotion Tonique dung lượng 250ml của Pháp bán với giá 170.000 đồng/sản phẩm, trong khi hàng xách tay của cửa hàng này chỉ bán với giá 100.000/sản phẩm dung lượng 250ml, 180.000 đồng/sản phẩm 500ml (rẻ một nửa giá). Mặt hàng dưỡng chất khoáng cô đặc Minéral 89 dung lượng 50ml của nhãn hàng Vinchy được bán với giá 1 triệu đồng nhưng tại các cửa hàng mỹ phẩm xách tay chỉ ở mức 700.000 đồng/sản phẩm.

Tại một cửa hàng chuyên hàng xách tay trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), nơi đây hội tụ đủ loại hàng xách tay gồm quần áo, nước hoa, mỹ phẩm, kính mắt, đồng hồ gắn mác thương hiệu nổi tiếng như CK, Gucci, Dior, Rayban, Movado... và bán với giá rẻ hơn từ 30-100% so với hàng chính hãng. “Hàng em bán là hàng thật không phải là đồ giả, vì là hàng mua tận gốc, không chịu thuế nên mới có giá rẻ”, một nhân viên bán hàng tiếp thị.

Ngoài các cửa hàng bày bán công khai, rất nhiều trang web cũng đang cạnh tranh quyết liệt bán hàng xách tay và chào mời bằng những ngôn từ có cánh. Tại một trang web giới thiệu chuyên kinh doanh bán áo thun cá sấu Lacoste, sản phẩm giới thiệu là hàng nhập khẩu chính hiệu từ Peru, nhưng giá chỉ dao động ở mức 399.000 đồng/áo, mua hai áo là 649.000 đồng. Trong khi giá sản phẩm chính hãng Lacoste bán tại thị trường TP. Hồ Chí Minh giá bán phổ biến trên dưới 2 triệu đồng/áo.

“Chết” vì hàng xách tay giá hời

Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Bách - cho biết, lực lượng QLTT thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 đã xử lý 2.534 vụ vi phạm về hàng hóa, đã xử lý 1.819 vụ vi phạm từ hoạt động kiểm tra chuyên ngành, trị giá tiền thu phạt hành chính, bán hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 52,3 tỷ đồng. Riêng số hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông đã tiêu hủy trị giá hơn 19 tỷ đồng, hàng tịch thu chờ bán khoảng 48,4 tỷ đồng.

Trong số hàng hóa kinh doanh gian lận đã xử lý, hàng nhập lậu và hàng giả chiếm đa số. Cụ thể hàng nhập lậu đã xử lý 708 vụ, ngoài thực phẩm, hóa chất, dược liệu còn có 32.304 viên tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và 708.169 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, mắt kính, đồng hồ… Riêng hàng giả đã xử lý 379 vụ, tạm giữ 51.147 đơn vị sản phẩm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách… hiệu Nike, Chanel, Gucci, Goyard, Rolex, Omega, Prada, Hermes, Tissot...

Theo ông Bách, các mặt hàng xa xỉ có giá trị cao như đồng hồ, túi xách, mắt kính, rượu, áo quần, giày dép… nhập lậu về gắn mác hàng xách tay và bày bán từ chợ truyền thống, cửa hàng, thậm chí cả trung tâm thương mại sang trọng. Hàng xách tay bán trên thị trường thành phố có hai dạng, hàng thật và hàng giả nhãn hiệu nhập lậu. “Những món hàng hiệu có giá trị cao là hàng giả được sản xuất tinh xảo từ nước ngoài và không ít người tiêu dùng đã mua nhầm phải hàng giả dưới cái mác hàng xách tay”, ông Bách thông tin thêm.

Đã có nhiều người tiêu dùng “chết đứng” vì chứng nghiện hàng hiệu xách tay do mua trúng phải đồ… dởm. Ông Nguyễn Trần B, ngụ ở đường Gò Dầu, quận Tân Phú vừa mới mua một chiếc đồng hồ của Thụy Sỹ loại “đẳng cấp doanh nhân” là hàng xách tay do người quen bán. Một ngày đẹp trời ông đến nhờ trung tâm kiểm định đồng hồ chính hãng kiểm tra nguồn gốc, kết quả chiếc đồng hồ đẳng cấp mà ông đang xài có xuất xứ từ... Trung Quốc. Vợ ông B vừa bực vừa tiếc “mua hàng xách tay tưởng rẻ hơn được chục triệu ai dè đi toi gần trăm triệu đồng”, khi nói về món hàng hiệu xách tay.

Theo các chuyên gia, các mặt hàng điện tử, công nghệ như đồng hồ, điện thoại di động người tiêu dùng mua hàng xách tay còn có cơ may kiểm tra nguồn gốc thật giả nhưng với các mặt hàng như túi xách, ví, mỹ phẩm (nhất là nước hoa), thực phẩm chức năng, các loại thuốc đặc trị các chứng bệnh nan y, đẹp da… rất khó để kiểm nghiệm. 

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây có nhiều vụ người tiêu dùng đến khiếu nại về chất lượng hàng hóa, trong đó không ít món là hàng xách tay. Hàng xách tay vốn kinh doanh bất hợp pháp (trốn thuế, không có có hóa đơn chứng từ, nhãn mác chứng minh nguồn gốc…) nên cơ quan pháp luật không thể bênh vực cho họ để bảo vệ quyền lợi.

Theo ông Hồng, những người lỡ “nghiện” hàng xách tay cố gắng cai bằng cách mua hàng chính hãng, dù đắt hơn mấy chục phần trăm nhưng bù lại mình có quyền đổi trả hoặc khiếu nại khi xảy ra sự cố về chất lượng vì chắc chắn người bán hàng phải chịu trách nhiệm về việc này.