Chống buôn lậu thuốc lá tuyến biên giới Tây-Nam: Hiệu quả chưa như mong đợi - vì sao?

Hải Anh - TCHQ

TCTC Online - Qua con số thống kê của lực lượng chức năng, năm 2010, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới các tỉnh biên giới Tây - Nam bộ đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo nhận định của lực lượng Hải quan nạn buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp.

Dễ phát hiện…khó chống

Khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp những năm qua là địa bàn “nóng” về buôn lậu, nhưng năm 2010, tình hình buôn lậu bất ngờ giảm hẳn. Từ đầu năm đến nay, Hải quan Đồng Tháp đã phối hợp với bộ đội biên phòng, công an bắt giữ và xử lý được 12 vụ buôn lậu, trị giá 234 triệu đồng; trong đó mặt hàng thuốc lá lậu nhãn hiệu HERO, JET, NELSON… chỉ bắt giữ và xử lý được trên 5 ngàn bao.

Tại Kiên Giang tình hình buôn lậu cũng giảm bất ngờ. Là địa phương có đường biên giới với nước bạn Căm pu chia cả trên bộ và trên biển, những năm trước Kiên Giang luôn có thành tích chống buôn lậu đứng hàng đầu các tỉnh dọc tuyến biên giới Tây – Nam. Đặc biệt riêng mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu Kiên Giang bắt giữ, tiêu hủy hàng trăm ngàn bao mỗi năm. Tuy nhiên từ đầu năm 2010 đến nay, Hải quan Kiên Giang chỉ phát hiện và bắt giữ 38 vụ buôn lậu có trị giá hơn 3 trăm triệu đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2009, trong đó có mặt hàng thuốc lá lậu bị bắt và xử lý không đáng kể.

Tương tự, theo đánh giá của cơ quan Hải quan ở An Giang và Long An buôn lậu cũng có chiều hướng giảm, các mặt hàng trước đây “nóng” buôn lậu như đường cát, hàng điện tử, điện dân dụng, rượu bia, xăng dầu… bây giờ không còn nóng nữa do giá thị trường chênh lệch không cao. Duy mặt hàng thuốc lá điếu vẫn chênh lệch giá vẫn chênh nhau hàng chục %, tuy nhiên thực tế số vụ bắt giữ loại hàng này giảm mạnh so với các năm trước.  

Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan Đồng Tháp Nguyễn Chí Hoà cho biết từ đầu năm tới nay, hoạt động buôn lậu ở Đồng Tháp giảm so với cùng kỳ năm 2009 do các lực lượng chức năng phối hợp duy trì chốt chặn, tuần tra, kiểm soát gắt gao, nhưng thuốc lá điếu ngoại vẫn là loại hàng thẩm lậu nhiều nhất. Dù Đồng Tháp không có đối tượng đầu nậu và đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn, nhưng mặt hàng thuốc lá lậu vẫn tràn ngập.

Buôn lậu thuốc lá trên địa bàn Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp “dễ phát hiện nhưng khó chống” vì mặt hàng này dễ xé lẻ, tẩu tán và đối tượng buôn lậu đa số là cư dân biên giới vận chuyển thuê trong lúc nông nhàn, thủ đoạn chủ yếu là tập kết hàng lậu vào các nhà dân tại cụm tuyến dân cư khu vực biên giới, khi không có lực lượng chức năng thì chuyển hàng vào nội địa. Nan giải hơn, khu vực này đông dân cư tham gia vận chuyển hàng thuê qua biên giới nên lực lượng chống buôn lậu phải đối mặt với dân mỗi khi dân bao che hàng lậu.

Chung nhận định, Phó cục trưởng Hải quan Kiên Giang Trần Minh Tiến cho biết, tại Kiên Giang lực lượng chức năng rất vất vả để đối phó với nạn buôn lậu  càng truy bắt chặt đối tượng buôn lậu càng liều lĩnh và thủ đoạn hơn. Mùa khô, hàng lậu được đầu nậu thuê mang vác chạy qua vành đai biên giới, mùa lũ chúng dùng xuồng máy chở hàng lậu luồn lách qua các kênh, rạch, lợi dụng đêm khuy, trời tối để tập kết hàng lậu vào nhà dân ven bờ, tổ chức canh đường, dùng xe máy chạy tốc độ cao đưa hàng vào nội địa. Hình ảnh dễ bắt gặp khi truy bắt đối tượng buôn lậu ở khu vực vùng biên các tỉnh miền Tây là đối tượng mang vác hàng lậu gặp lực lượng chức năng thì bỏ của chạy lấy người, nên hầu hết các vụ bắt giữ thuốc lá lậu lực lượng chức năng chỉ bắt giữ được hàng vắng chủ rất khó truy cứu trách nhiệm đối tượng.

Cần siết chặt những lỗ hổng quản lý

Theo hiệp hội, năm 2009 có khoảng 800 triệu bao thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới phía Tây, chiếm đến 20% tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong khi đó lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ và tiêu hủy năm 2009 là 7,3 triệu bao, chưa đến 1% tổng số thuốc lá lậu vào Việt Nam. Các cửa khẩu thuốc lá được tuồn lậu vào chủ yếu giáp với Campuchia, khoảng 20% nhập lậu từ Lào. Địa bàn “nóng “ nhập lậu thuốc lá  các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An.

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2010 đến nay, số lượng thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam bị lực lượng chức năng các tỉnh miền Tây bắt giữ và xử lý tiêu huỷ khoảng vài triệu bao. Điều này không phản ánh đúng thực tế buôn lậu thuốc lá lậu ở tuyến biên giới trọng điểm này.

Theo ông Trần Minh Tiến, thuốc lá lậu chiếm 80% nhu cầu tiêu thụ của thị trường ĐBSCL và TPHCM, cho thấy công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá chưa triệt để, hiệu quả không cao. Việc phân khúc trách nhiệm, phân khúc thị trường và địa bàn… đang làm giảm hiệu quả quản lý  của các lực lượng chức năng. Đơn cử như lực lượng hải quan chỉ có quyền hạn quản lý ở khu của khẩu và 1 km hai bên cánh gà, ngoài vùng này hải quan không có quyền, muốn tác nghiệp phải có sự phối hợp của bộ đội biên phòng, hoặc sâu nội địa thì phải có phối hợp của công an… Trong khi đặc thù biên giới Tây – Nam bằng phẳng, trải dài, lắm kênh rạch và đông cư dân, chỗ nào đối tượng buôn lậu củng có thể chuyển hàng hoá, địa bàn nào cũng có thể trở thành điểm nóng buôn lậu. Hoặc thuốc lá lậu có mặt trên thị trường mọi lúc mọi nơi và yêu cầu bao nhiêu có bấy nhiêu nhưng đấy là việc, là địa bàn của anh quản lý thị trường… Các đối tượng buôn lậu thuốc lá đang lách vào những kẽ hở quản lý, pháp luật để tổ chức vận chuyển hàng trăm triệu bao thuốc lá lậu mỗi năm vào nội địa, làm chảy máu ngoại tệ và thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.