Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ
Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; đồng thời, nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Thứ hai, thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.
Thứ ba, đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện các quy định về quy tắc xuất xứ nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường đàm phán trong các khuôn khổ đa phương và các Hiệp định thương mại tự do để thống nhất các quy tắc xuất xứ cụ thể, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc cấp C/O.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài (kể cả sáp nhập, mua lại) và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ năm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ sáu, tăng cường nguồn lực, năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Chính phủ yêu cầu nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính;
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chính sách và quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ, ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài điều tra cũng như chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định pháp luật; Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, xác minh;
Hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực với các đối tác và các tổ chức quốc tế liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp;
Đồng thời, rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tại Quyết định, nhằm tổ chức thực hiện Đề án hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.
Theo đó, Bộ Tài chính được giao chỉ đạo Tổng cục Hải quan tổ chức theo dõi số liệu nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thuộc Danh sách để hàng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương, đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường;
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi có nghi ngờ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Mở rộng hợp tác với cơ quan hải quan các nước, các tổ chức khu vực, quốc tế để hợp tác trao đổi thông tin và xác minh các gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại;
Tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Đồng thời, phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong các vụ việc cụ thể;
Hàng năm, Bộ Tài chính thực hiện bố trí kinh phí, ngân sách dự phòng hàng năm cho Bộ Công Thương phù hợp với quy định hiện hành để triển khai các hoạt động xử lý vụ việc phòng vệ thương, vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm cả sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý) xảy ra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó, công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của Đề án áp dụng theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.