Công tác quản lý hóa chất tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh: Những chuyển biến tích cực

Hoài Nam - Đội KSHQ, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh

Trong xu thế hội nhập vào nền kinh tế thế giới, vai trò quản lý nhà nước về Hải quan vô cùng quan trọng. Hóa chất nói chung và hóa chất cơ bản nói riêng có tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việc quản lý an toàn hoá chất cũng như việc quản lý chất thải nguy hại ở cửa khẩu cảng biển là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay của các lực lượng chức năng trong đó có Hải quan.

           Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua và việc thành lập Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo QĐ Số: 180/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 12 năm 2009, giải quyết phần nào những bức xúc mà xã hội đang quan tâm. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ quản lý về hóa chất thì còn rất nhiều việc còn phải bàn. Hóa chất cơ bản, kể cả nhóm DOC và nhóm DCF nhu cầu đối với thị trường rất lớn, nó là hóa chất trung gian để tạo ra những sản phẩm mới thiết yếu của nền kinh tế hàng hóa đa dạng và phong phú...Nếu việc quản lý hoá chất và chất thải nguy hại không được chú ý đúng mức hay không hợp lý về mặt môi trường thì hoá chất nói chung và chất thải nguy hại nói riêng sẽ gây ra những tác động xấu tới những thành phần môi trường, đặc biệt là sức khỏe con người và các hệ sinh thái nhạy cảm khác, hoặc cấp tính hoặc mãn tính, liên quan tác động đến môi trường sống của chúng ta.

         Về lý luận, việc quản lý rủi ro của hải quan trong hoạt động hóa chất cơ bản có tác động đến bảo vệ sức khoẻ đối với cộng đồng. Cụ thể là tiềm năng gây ung thư (carcinogen) do việc quản lý một số loại chất thải có chứa chất gây ung thư, polyclorobiphenyl (PCB) trong dầu biến thế thải ra môi trường một cách thiếu khoa học trong kiểm soát. Trong các lô hàng xuất nhập khẩu gần đây, nhất là các mặt hàng đã qua sử dụng doanh nghiệp đã cố tình nhập khẩu kèm chất thải chưa qua xử lý. Như vậy, rất rủi ro, nếu hải quan không phát hiện sớm hoặc không kịp thời ngăn chặn thì hậu quả sẽ ra sao?

         Nhìn dưới góc độ khoa học, các trinh sát chống buôn lậu tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và phát hiện các hợp chất PCBs (polyclorua biphenyl) là một hỗn hợp các chất aromatic (nhóm chất thơm) được sản xuất bằng cáchclo hoá biphenyl, có công thức tổng quát là C12H10-nCln(n là số các nguyên tử Cl, thay đổi từ 1 đến 10) (4). Trong chuỗi phản ứng vô cơ thì hợp chất PCB có gần 200 đến 210 đồng phân (1), và độc tính của mỗi đồng phân phụ thuộc vào cấu trúc của nó. Các đồng phân của PCB có thể gây ra những tác động lâu dài, chủ yếu là khả năng sinh sản và ung thư. Điều quan trọng là PCB có độ phân huỷ sinh học rất thấp (4). Số nguyên tử Cl có mặt trong PCB càng nhiều thì độ phân huỷ sinh học càng thấp. Độc tính của các đồng phân PCB phụ thuộc vào số lượng và vị trí thế của các nguyên tử Cl. Độc nhất là những đồng phân có Cl ở các vị trí 2, 3,7 và 8. Trong dầu biến thế PCB, hoặc chất thải từ vỏ ắc quy (ảnh minh họa trên) được sử dụng như là phụ gia có tính cách điện rất cao và thực hiện chức năng chống oxy hoá, có tên thương mại là Aroclor. Dầu biến thế được coi là một trong những nguồn gây ô nhiễm PCB lớn nhất.  Việc thải ắc quy có chứa PCB đã gây nên những nguy cơ mắc ung thư cho con người và động vật thông qua các phương thức tiếp xúc khác nhau. Một phần lượng dầu này thải ra môi trường hiện vẫn chưa được quản lý theo đúng cách quản lý chất thải nguy hại. Do đó vấn đề này cần được quan tâm hơn nữa không chỉ bởi các nhà quản lý môi trường, trong đó có công tác quản lý của hải quan, vào các quá trình ra quyết định về quản lý chất thải nguy hại, cũng như những doanh nghiệp liên quan đến phát sinh chất thải, thông qua hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng biển hiện nay.

Điểm đáng ghi nhận tại thương Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài gòn, đã quy hoạch hẳn một khu IMO bề thế hiện đại tại Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Nơi để hàng thuộc nhóm hóa chất tiền chất, nhóm hóa chất cơ bản và đặc biệt có hẳn một khu vực cho hải quan quản lý và thông quan hàng hóa liên quan đến hóa chất và an toàn hóa chất. Rất khoa học và bài bản, giúp hoàn thiện quá trình hiện đại hóa công tác quản lý của hải quan. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục vẫn bộc lộ một số mặt còn tồn tại. Như công tác quản lý trước thông quan hàng hóa, như công tác kiểm tra thực tế, một số công chức chưa tuân thủ quy định mang tính khoa học trong quản lý hóa chất. Như công tác lấy mẫu, còn giao cho chủ hàng, hoặc chủ hàng thuê lực lượng bốc xếp lấy mẩu, phục vụ cho công tác giám định trước thông quan, chưa tuân thủ khoa học về quản lý hóa chất. Nếu không được nhắc nhở uốn nắn kịp thời thì hiện tượng trên dễ gây ra sự cố trong quản lý và thông quan hóa chất cơ bản.

     Theo quy định về quản lý hóa chất, trong phần khai báo, một số doanh nghiệp chưa khai báo được tên khoa học của hóa chất, nồng độ, công thức phân tử, công thức hóa học, nhằm giúp cơ quan hải quan thuận lợi trong cách nhận diện hóa chất được tốt hơn, phục vụ và nâng cao chất lượng phục vụ cho doanh nghiệp được nhanh chóng chính xác trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

       Hóa chất nói chung, hóa chất độc hại nói riêng thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng do công tác cấp phép quá dễ dàng và công tác quản lý còn nhiều "lỗ hỏng" nên tình trạng buôn bán, sử dụng hóa chất tràn lan đã xảy ra. Do đem lại lợi nhuận rất cao, nên những người buôn bán, kinh doanh hóa chất dùng mọi thủ đoạn để tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.

       Hóa chất khi vào được thị trường nội địa thì bất chấp mọi nguy hại đối với người tiêu dùng. Họ thường chia nhỏ các loại hóa chất vào túi đựng để dễ bán, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thậm chí nhiều loại hóa chất không có nhãn hiệu bao bì, không có xuất xứ hàng hóa nên việc phân biệt hàng giả, hàng thật, hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm, độc hại hay không độc hại rất khó. Hậu quả dễ thấy là sức khỏe người tiêu dùng bị tổn hại, thương hiệu một số mặt hàng bị giảm uy tín. Vô hình dung, các cơ quan quản lý tiếp theo cứ mặc sức nghi vấn và đổ lỗi cho Hải quan. Mặc khác, sức ép cải cách hành chính, Hải quan cần phải cắt giảm bộ thủ tục quản lý thuyền thống, nhằm tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu tung hoành, thôi thì dư luận cứ mặc nhiên đổ lỗi, thượng vàng hạ cám Hải quan lãnh trọn hết.

Đối với lực lượng chuyên trách kiểm soát Nhập khẩu (NK) hóa chất, cần bổ sung, tăng cường cán bộ có trình độ chuyên môn đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Cần có chế tài mạnh đối với những người vi phạm trong kinh doanh (NK) hóa chất độc hại, kiên quyết xử phạt nặng về kinh tế, trường hợp gây hậu quả xấu thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

      Phát huy những điểm mạnh đã đạt được về quản lý hóa chất, khắc phục những tồn tại như đã nêu trên, chắc chắn công tác quản lý hóa chất tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã và đang tạo được bước chuyển biến tích cực.