Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước

PV.

Trong suốt chặng đường phát triển, Việt Nam luôn coi việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Điều này được biểu hiện rõ rệt qua nỗ lực lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách phát triển, thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên...

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất về chủ trương đảm bảo quyền con người, đặt con người làm trung tâm ở Việt Nam là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi ban hành mới hơn 90 văn bản luật có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trong đó, việc thông qua Hiến pháp năm 2013 đặc biệt là những quy định cởi mở về quyền con người được thể hiện trong chương II của Hiến pháp đã thể hiện một thay đổi lớn trong nhận thức về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp quy định, mọi người có quyền sống, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; Được pháp luật bảo hộ quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định của luật…

Căn cứ Hiến pháp năm 2013, hàng năm, các bộ, ngành thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về quyền con người trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế để có những đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, đảm bảo một cách cao nhất về quyền con người. 

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Luật nhà ở; Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Bộ luật dân sự; Bộ luật tố tụng dân sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật trưng cầu ý dân; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật trẻ em; Luật báo chí; Luật tiếp cận thông tin, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…

Hệ thống thiết chế và thể chế bảo đảm quyền con người từng bước được xây dựng theo hướng hoàn thiện đã tạo tiền đề để các cá nhân, tổ chức triển khai hiệu quả công tác đảm bảo quyền con người. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017; 38% người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%); 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học…

Quyền bình đẳng giới được bảo đảm, tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh trên 27,8%, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt 26,71%. Quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do internet… ngày càng được đảm bảo. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Báo cáo “Các chỉ số phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện và công bố ngày 17/10/2018, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua. Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm chỉ số HDI trung bình cao với chỉ số 0,694 trong năm 2017, đứng thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia.

Không chỉ bảo đảm quyền con người trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, Đảng và Nhà nước còn chú trọng bảo đảm tốt quyền con người Việt Nam ở nước ngoài cũng. Theo đó, Việt Nam đã chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho kiều bào ổn định địa vị pháp lý, hội nhập vào sở tại, tập trung hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì tiếng Việt, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài…

Việt Nam không những bảo đảm quyền con người Việt Nam mà còn góp phần thực hiện đúng các chuẩn mực quốc tế, đóng góp thiết thực vào thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Những nỗ lực và thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện quyền con người của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và hai lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc khóa 2001-2003 và khóa 2014-2016.