Dân lại khổ vì giấy nhà đất mới

Theo SGTT

TCTC Online - Nghị định 88 của Chính phủ về thống nhất cấp một giấy chứng nhận chủ quyền cho cả nhà và đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) đã có hiệu lực. Sau hơn nửa tháng triển khai, quy trình cấp giấy mới này đã lộ ra rắc rối khiến người dân khổ sở.

Rắc rối bản vẽ

Theo nghị định 88, đối với trường hợp có nhà trên đất (diện tích phải theo quy định), người dân có thể tự đo vẽ nhà, sau đó uỷ ban nhân dân phường, xã kiểm tra xác nhận trên bản vẽ đó. Bản vẽ nhà sẽ không phải qua thủ tục kiểm tra của phòng quản lý đô thị như quy trình cấp giấy chứng nhận cũ. Thế nhưng thực tế đã phát sinh nhiều rắc rối xung quanh bản vẽ.

Chiều ngày 23.12, tại phòng Tài nguyên và môi trường quận Tân Bình, chị Tâm – nhân viên một công ty dịch vụ nhà đất tại quận 3, không giấu nổi vẻ bực dọc cho biết hiện có nhiều quận huyện vẫn chưa thống nhất mẫu bản vẽ kê toạ độ để cập nhật lên giấy chứng nhận mới. “Đã vậy, có khi hai bộ hồ sơ giống nhau, nhưng quận này bắt vẽ lại trong khi quận khác lại không. Khi bắt vẽ lại thì sẽ tốn thêm tiền, trung bình từ 10.000 – 15.000 đồng/m2. Điều này gây tốn kém tiền bạc và phiền phức cho người dân”, chị Tâm bức xúc.

Luật sư Phạm Văn Kiêm, giám đốc một văn phòng luật sư ở huyện Bình Chánh, cho biết ông đang thực hiện dịch vụ hồ sơ hợp thức hoá nhà tại quận Bình Tân nhưng không được vì quận yêu cầu phải có bản sao giấy chủ quyền khu đất. “Miếng đất đã được mua đi bán lại cả chục lần bằng giấy tay – có xác nhận của phường – nên việc tìm chủ đất gốc là rất khó. Ngoài ra, nhà đã xây dựng cả chục năm nay, đã được quận cấp số nhà, hợp đồng mua điện… nên việc đòi thêm thủ tục trên là quá vô lý”, luật sư Kiêm nói.

Người dân tại nhiều quận, huyện cũng than phiền đang gặp rắc rối liên quan tới bản vẽ hiện trạng nhà đất khi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận. Có người cho biết khi đem hồ sơ đăng bộ căn nhà của mình thì cán bộ thụ lý hồ sơ yêu cầu phải về phường làm thủ tục đo vẽ hiện trạng như lâu nay, vì cách làm bản vẽ theo nghị định mới chưa được triển khai! Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, tại một số phòng tài nguyên môi trường, những hồ sơ nào do các công ty dịch vụ đưa vào thì không bị cán bộ tiếp nhận hoạnh hoẹ gì, nếu có sai sót chút đỉnh cũng được bỏ qua. Còn hồ sơ do dân tự làm thì bị săm soi, vặn vẹo đủ kiểu.

Tốn kém và mất thời gian

Nếu trước đây, muốn chuyển nhượng nhà đất, hai bên chỉ cần đến công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng, sau đó lên quận làm thủ tục đăng bộ, cập nhật biến động vào sổ (ghi tên chủ mới), nộp lệ phí 15.000 đồng và mất khoảng bảy ngày là xong. Hiện nay sau khi công chứng, người dân còn phải làm thêm thủ tục đo vẽ nhà đất, với chi phí tiền triệu (khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng/m2) và thời gian tăng gần gấp ba lần, tức khoảng 15 – 20 ngày.

Chưa hết, sau khi vượt qua những “chướng ngại vật” trên mới có thể làm thủ tục đăng bộ in sổ mới, nộp thêm 100.000 đồng lệ phí, với thời gian chờ đợi thêm khoảng 20 ngày nữa.

Phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường quận Tân Bình Đặng Xuân Ngọc thừa nhận quy định cấp giấy chứng nhận mới có chậm hơn so với việc cấp giấy chứng nhận theo mẫu cũ, nhất là đối với những trường hợp bán nhà, đất. Giám đốc công ty Quốc Việt, Phạm Văn Lân nhận xét trước đây việc cấp đổi giấy chủ quyền theo mẫu cũ mất chỉ 45 ngày còn nay mất 50 ngày, chưa kể ngày nghỉ, lễ. Ngoài ra, theo quy trình mới, những trường hợp mua bán, sang tên phải đổi sổ mới phải mất hơn hai tháng mới hoàn thành, như vậy quá lâu, làm lỡ cơ hội làm ăn của người dân.

Lãnh đạo phòng Tài nguyên và môi trường một quận khác cho rằng quy định của thành phố “thúc” các địa phương trong vòng ba ngày sau khi nhận hồ sơ phải báo ngay cho người dân biết và bổ túc hồ sơ nếu kiểm tra thấy chưa đầy đủ là không thể làm nổi. Lý do chính là hiện nay nhân lực tiếp nhận hồ sơ tại các địa phương quá thiếu và nghiệp vụ chưa giỏi. Theo vị này, ít nhất phải bảy ngày, khâu này mới có thể làm kịp.

Để hạn chế tối đa tốn kém và phiền phức cho người dân, ông Ngọc cho biết những vướng mắc trong khâu bản vẽ, quận sẽ có buổi làm việc với các đơn vị đo vẽ trên địa bàn để thống nhất lại những quy định, từ đó giúp cho công tác giải quyết hồ sơ được nhanh hơn.

Có thể được nợ tiền sử dụng đất khi làm “sổ đỏ”

Cá nhân, hộ gia đình nếu chưa có đủ nguồn tài chính để nộp tiền sử dụng đất sẽ được ghi “nợ tiền sử dụng đất” trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đó là một trong những nội dung trong dự thảo Tờ trình sửa đổi, bổ sung nghị định số 198 ngày 3.12.2004 về thu tiền sử dụng đất do bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ. Ngoài ra, trong tờ trình, bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo tại các địa bàn không thuộc phạm vi (trừ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi) khi được giao đất...