Doanh nghiệp dệt may lao đao vì hàng giả, hàng nhái

Theo Thu Hà - Việt Nga/baocongthuong.com.vn

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó bởi hàng giả, nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường. Thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những bước đi phù hợp trong xây dựng thị trường, thương hiệu; Đồng thời, cũng rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó bởi hàng giả, nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường. Nguồn: Internet
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó bởi hàng giả, nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường. Nguồn: Internet

Nhan nhản vi phạm

Thống kê từ Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm, lực lượng này phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong đó, sản phẩm dệt may, thời trang chiếm phần lớn. 

Kết quả khảo sát của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại 6 chợ bán buôn hàng may mặc, gồm: Chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, Rồng, Nghệ, Sắt và chợ Soái Kinh Lâm cũng cho thấy, hầu hết quần áo bán tại đây có xuất xứ Trung Quốc. Nhiều hàng nhái thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Burberry… Không chỉ thương hiệu thời trang nước ngoài mà ngay sản phẩm trong nước cũng bị làm nhái. Nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn treo biển không rõ ràng như "Sơ mi Việt Tiến" "Cửa hàng May 10"… với mục đích làm cho khách hàng nhầm lẫn cửa hàng là đại lý của các công ty may lớn như Việt Tiến, May 10. 

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex - cho biết, các nhãn hiệu của các đơn vị thành viên tập đoàn bị làm giả rất nhiều trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm của May 10, Việt Tiến, Đức Giang. 

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên - cho biết, chi phí phí lưu thông hiện nay rất lớn. Ví dụ, sản phẩm công ty làm ra chỉ 1 đồng song đến tay người tiêu dùng phải 3, 4 đồng. Tận dụng khoảng trống đó, đối tượng làm hàng giả chỉ cần bán với giá 1,5 đồng là lãi lớn.

Giải pháp từ thực tiễn

Dù lượng hàng bị làm giả, nhái không nhỏ nhưng theo thống kê của Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, khoảng 40% công ty thành viên của Vinatex vẫn chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và không có bất cứ đăng ký bảo hộ nào về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp. Đây là kẽ hở lớn để đối tượng làm hàng giả, nhái lợi dụng.

Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT, doanh nghiệp cần bảo hộ quyền SHTT cả ở trong nước và nước ngoài. Khi đăng ký bảo hộ SHTT tại các nước sở tại, nếu sản phẩm bị xâm phạm thì sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ. 

Ông Lê Tiến Trường cũng nhấn mạnh, SHTT đóng vai trò rất quan trọng đối với hàng hóa thời trang dệt may Việt Nam. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may mới chỉ phục vụ cho xuất khẩu qua các thương hiệu khác nhau. Vì vậy, những kết quả tích lũy của ngành dệt may trong nước mới chỉ đong đếm hiệu quả từ khâu sản xuất, phụ thuộc năng suất chất lượng, trong khi của ngành thời trang và dệt may thế giới đều đến từ thương hiệu, SHTT các mẫu mã thiết kế và hệ thống phân phối. 

Bên cạnh câu chuyện doanh nghiệp đăng ký SHTT cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Bà Đoàn Anh Đào - Phụ trách kinh doanh và marketing, Tổng công ty cổ phần Phong phú - thông tin, từ lúc thương hiệu của công ty có tiếng, khoảng 5-6 năm trở lại đây, số lượng hàng hóa bị nhái tương đối nhiều. Đơn cử, thương hiệu khăn Mollis đã được đăng ký của Phong Phú thì trên thị trường xuất hiện hàng nhái thành Dollis. Dù doanh nghiệp đã phối hợp với Cục QLTT phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm SHTT nhưng vẫn ko thể kiểm soát được.

Nguyên nhân do những quy định về bảo vệ thương hiệu kiểu dáng chưa thực sự rõ ràng. Vì thế, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng khi ban hành văn bản phải có hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, các cơ quan thực thi pháp luật phải kiểm soát được thị trường để ngăn chặn các hành vi xâm phạm SHTT lặp đi lặp lại làm ảnh hưởng tới tính lâu dài và sự nhận diện các sản phẩm may mặc của nước ta ra thị trường thế giới.

Về cơ chế, chính sách, các chuyên gia cũng nêu ý kiến cần có cơ chế giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, cũng như cho phép ghi nhận chi phí bảo vệ thương hiệu trong giá thành sản phẩm để các thương hiệu trong nước có khả năng cạnh tranh tốt hơn với các thương hiệu may mặc nước ngoài đang ngày càng phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam. 

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý trong việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu, chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ hàng Việt…