Doanh nghiệp vẫn 'lơ mơ' trước điều tra chống bán phá giá

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Không ít mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang đứng trước nguy cơ bị phía quốc gia nhập khẩu điều tra chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế, thế nhưng mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp Việt trong vấn đề này vì sao đến nay vẫn còn lơ mơ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi thư phản đối một số nội dung trong dự thảo kết luận của Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) liên quan đến việc công bố dự thảo kết luận điều tra trong vụ việc chống bán phá giá đối với tôn mạ lạnh nhập khẩu (NK) từ Việt Nam và Trung Quốc.

Tình thế bất lợi

Theo đó, KADI cho rằng tôn lạnh của Việt Nam đang bán phá giá và đã gây ra thiệt hại cho các công ty tôn lạnh của Indonesia.

Về phía Cục Phòng vệ thương mại cũng đã bày tỏ sự phản đối với KADI về một số kết luận chưa phù hợp, chưa phản ảnh đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp (DN) Việt Nam như là vấn đề thuế giá trị gia tăng, sự trùng lặp trong tính toán…Các nội dung thiếu chính xác này đã dẫn tới biên độ bán phá giá cao và gây ra bất lợi cho DN Việt Nam.

Trước nguy cơ không ít mặt hàng XK bị điều tra chống bán phá giá thì đòi hỏi các DN Việt cần hiểu biết cặn kẽ về phòng vệ thương mại.
Trước nguy cơ không ít mặt hàng XK bị điều tra chống bán phá giá thì đòi hỏi các DN Việt cần hiểu biết cặn kẽ về phòng vệ thương mại.
 

Hồi cuối tháng 7/2020, Bộ Thương mại và công nghiệp Malaysia (MITI) cũng có thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia. Và MITI đã thông báo rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá năm 2016 đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội, có xuất xứ từ Việt Nam.

Ngoài 2 sản phẩm nêu trên, cách đây một tháng, Cục Phòng vệ thương mại có đưa ra danh sách theo dõi bao gồm 13 mặt hàng xuất khẩu (XK) được xác định có nguy cơ cao bị phía Mỹ và EU điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Cụ thể là: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, Đệm mút, Tủ gỗ, Đá nhân tạo, Gạch men, Ống đồng Lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng...

Chẳng hạn, mặt hàng gỗ dán đang bị đang bị thị trường Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Kim ngạch XK của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh từ 1,1 tỷ USD năm 2016 xuống còn 215,6 triệu USD năm 2019. Trong cùng giai đoạn, kim ngạch XK mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD trong năm 2019.

Riêng hồi năm ngoái kim ngạch XK mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đã tăng 63,7% so với năm 2018. Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thông báo chính thức điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại đối với một số công ty Mỹ NK gỗ dán từ Việt Nam.

Và đến tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán NK từ Việt Nam sau 5 tháng tiếp nhận hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Không thể lơ là

Chia sẻ với giới DN ở TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tuần rồi để bàn về phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA), đại diện Cục phòng vệ thương mại cho biết trong năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau. Tính riêng đến hết tháng 3/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa XK của Việt Nam.

Mặc dù vậy, như lưu ý của ông Phan Khánh An, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay mức độ hiểu biết của DN Việt Nam về phòng vệ thương mại còn rất thấp.

Điều này có thể thấy từ một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ rõ có 15,09% DN không biết gì về phòng vệ thương mại. Hơn thế nữa, có tới 63,21% có nghe nói nhưng không biết rõ về vấn đề này.

Trong khi đó, chỉ có 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ. Và số DN đã tìm hiểu tương đối kỹ về phòng vệ thương mại hoặc là bên liên quan chỉ chiếm 1,89%.

Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài thuộc Cục Phòng vệ thương mại, có lời khuyên đến các DN là cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Giới chuyên gia lưu ý là nếu các DN Việt vẫn còn lơ mơ về phòng vệ thương mại thì khả năng dính các vụ kiện chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ các quốc gia NK sẽ càng cao khi mà họ có xu thế bảo hộ ngành sản xuất của họ.

Nhất là để áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế thì nhiều quốc gia NK đang chú trọng tới việc điều tra xuất xứ hàng hoá, trong khi đây lại là một hạn chế của nhiều DN Việt khi XK.

Và về bản chất, việc điều tra xuất xứ hàng hoá ở quốc gia NK thường được coi là một rào cản thương mại, được họ sử dụng một biện pháp “bảo hộ ẩn” để bảo vệ sản xuất ở nước họ.

Điều đáng nói, với những hạn chế nhất định trong vấn đề xuất xứ hàng hoá và sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về phòng vệ thương mại, sẽ làm cho DN dễ bị “bắt nạt” khi đối mặt trước các vụ điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ quốc gia NK. Đây là điểm yếu đòi hỏi các DN Việt không thể lơ là và cần khắc phục trong thời gian tới.