“Đội lốt” hàng Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ


Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật nêu trên, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Cục Hải quan Bình Dương đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương. Ảnh: Báo Tiền phong.
Cục Hải quan Bình Dương đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương. Ảnh: Báo Tiền phong.

Đây là nội dung được trao đổi tại cuộc Họp báo về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu do Tổng cục Hải quan tổ chức chiều 6/7 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (bao gồm các sắc thuế: Thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5-285% tùy theo mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cung cấp thông tin tại Họp báo.
Ông Nguyễn Tiến Lộc cung cấp thông tin tại Họp báo.

Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật nêu trên, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Đáng chú ý, trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.

Đáng quan ngại, đại diện ngành Hải quan phản án là toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt xuất xứ Việt Nam theo tiêu chí chuyển đổi mã số (CTC, CTSH) và tiêu chí phần trăm của trị giá (LVC) quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan cho thấy nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như: Doanh nghiệp (DN) đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất quy định tại Điều  9, Nghị định 31/2018/NĐ-CP.  Thủ đoạn khác là, DN giai đoạn đầu chưa hoàn thành đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu. Thực chất, DN đã thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm và chỉ đưa về thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác. 

“Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ. Trên cơ sở đó, ngành Hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Số tiền thu qua xử phạt hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu)”, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan thông tin.

Còn đối với xe đạp, xe đạp điện, thực hiện kiểm tra sau thông quan 4 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ, kết quả phát hiện vi phạm xuất xứ Việt Nam tại cả 4 DN. Thủ đoạn vi phạm của DN là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in nhãn cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 5 DN và 100% có vi phạm xuất xứ Việt Nam. Ở nhóm hàng này, DN xuất khẩu tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện được DN mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài.

Tổng cục Hải quan cho biết, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, thời gian qua đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu. Dù ngành Hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, nhưng diễn biến vẫn phức tạp.

Trong đó, các tấm module năng lượng mặt trời xuất khẩu của DN được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, thực hiện kiểm tra sau thông quan 7 DN thì cả 7 DN đều vi phạm xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, DN nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) để lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail).

Do đó, những sản phẩm hoàn chỉnh nêu trên không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.