Dự thảo Luật Thuế nhà ở còn nhiều kẽ hở

Theo VnExpress

Các chuyên gia cho rằng thu thuế nhà đất là cần thiết, song dự thảo luật mới đưa ra còn nhiều điểm chưa chặt hoặc có thể gây tranh cãi như thuế suất, căn cứ đánh thuế...

 

Theo dự luật, nhà ở có giá trị từ 600 triệu đồng hàng năm sẽ phải nộp thuế với mức 0,05%. Thuế suất áp dụng với nhà trên 1,2 tỷ đồng là 0,1%. Một số chuyên gia cho rằng, dự thảo luật không phân định rõ ràng về đối tượng đóng thuế mà đánh đồng những căn nhà có giá từ 600 triệu là bất hợp lý. Giả sử, sở hữu 10 căn nhà giá 599 triệu, chủ nhà sẽ không bị đánh thuế. Ngược lại, người có một căn nhà mức 600 triệu cũng phải nộp thuế.

Hơn nữa, thu thuế ở mức nhà từ 600 triệu đồng sẽ tác động vào nhu cầu thực của người dân. Bởi thực tế, thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch của các căn hộ trên dưới 1 tỷ vẫn là chủ yếu.

Thuế suất đánh lũy tiến 0,05 và 0,1%, theo các chuyên gia cũng là quá cao. Chị Lê Thanh sở hữu nhà 3 tầng, diện tích rộng 60 m2 ở quận Đống Đa (Hà Nội). Nhà này đã qua 3 đời ở, nhẩm tính sơ sơ cũng lên tới 4 tỷ đồng. Hàng năm, chị sẽ phải nộp khoản thuế tương ứng là: 600 (triệu đồng) x 0,05% + 2,8 (tỷ đồng) x 0,1%= 3,1 triệu đồng. "Nhà tôi ở đã bao đời nay, không buôn bán kinh doanh mà chỉ để ở. Mức thuế tại thời điểm này đã cao thế, mấy năm nữa giá cả leo thang, sẽ còn cao đến đâu?", chị Thanh than.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, trên thực tế, rất nhiều người dân sở hữu nhà có giá trị tiền tỷ. Những gia đình này thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống và không ý thức được giá trị căn nhà của mình. Theo ông Liêm chỉ nên đánh thuế thấp, bằng một phần tư mức khởi điểm 0,05% dự thảo đưa. "Tôi cho rằng thu thuế thấp sẽ khiến người dân vui vẻ đóng, không phải nghĩ ra các chiêu lách luật. Không ai trốn thuế, Nhà nước sẽ thu trên diện rộng và ngân sách quốc gia được bổ sung một khoản không nhỏ", ông Liêm nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land cho rằng, chỉ nên đánh thuế vào mức gia tăng so với ngưỡng 600 triệu. Ông Hà phân tích, nếu sở hữu nhà trị giá 700 triệu, chủ đầu tư sẽ phải đóng mức chênh 100 triệu đồng so với 600 triệu nhân với hệ số 0,05%. "Người ở khu vực nội, ngoại thành sẽ có mức thu nhập khác nhau và giá trị nhà ở khác nhau. Đối với người nông dân, đánh thuế trên cả giá trị tài sản là quá nặng", ông Hà nói.

Dự thảo luật quy định giá tính thuế căn cứ theo diện tích và đơn giá xây dựng nhà mới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Với những nhà ở lâu năm, không phải mới xây, sẽ trừ tỷ lệ 2-5% cho mỗi năm sử dụng (mức trừ tối đa không quá 90%). Theo ông Liêm, cách tính toán này quá phức tạp, khó kiểm soát và dễ vướng phải cơ chế xin cho. Người dân có thể tìm cách để tăng thời hạn sử dụng ngôi nhà nhằm hưởng mức trừ tối đa. "Nhà mới sử dụng 10 năm, người dân "xin" để được cơ quan chức năng "cho" thành 20 năm, ai biết đấy là đâu?", ông Liêm băn khoăn.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, đánh thuế theo giá trị tài sản chỉ phù hợp với các nước phát triển, đất rộng người thưa. Theo ông Võ, Việt Nam đất chật người đông, đánh thuế theo diện tích sử dụng sẽ phù hợp hơn.

Ông Võ phân tích, thuế thu trên giá trị tài sản sẽ kìm hãm nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi thực tế, giá trị đất thể hiện trên suất đầu tư, suất đầu tư càng nhiều, đất càng có giá trị. "Đánh thuế vào giá trị sẽ kìm hãm đầu tư trong và ngoài nước. Nhà đầu tư sợ bị đánh thuế sẽ không đầu tư vào các khu cao tầng có giá trị cao hoặc tìm cách lách", ông Võ nói.

"Các nhà đầu tư có thể tìm kiếm diện tích rộng làm chỗ sinh lợi. Trong khi đó, ông Võ bổ sung, diện tích rộng chủ yếu tập trung ở ngoại thành. Vô hình trung, Nhà nước đẩy chủ đầu tư ra khỏi trung tâm thành phố".

Theo luật sư Trần Vũ Hải, (đoàn luật sư Hà Nội), hiện người dân phải chịu hai mức thuế là thuế đất hàng năm, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nay chuyển thành thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản). Trong quá trình xây dựng, người dân phải chịu các khoản như lệ phí xây dựng, lệ phí trước bạ. Ông Hải cho rằng Bộ Tài chính ra dự thảo thuế Nhà Đất thay thế cho Pháp lệnh thuế nhà nhưng chưa xác định mục đích thu thuế. Ông Hải đề xuất: "Tôi cho rằng, mục đích thu thuế là vấn đề cốt lõi. Thu thuế để tăng ngân sách quốc gia hay giảm giá trị sử dụng đất để tránh đầu cơ. Từ đó sẽ có tỷ suất thuế hợp lý".

Còn ông Đặng Hùng Võ nhận định, việc đánh thuế là cần thiết song phải lựa chọn thời điểm, hoàn cảnh phù hợp. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cần chờ kết quả điều tra dân số về nhà ở. "Dựa vào tỷ lệ diện tích m2 nhà ở, mặt bằng từng tỉnh, Bộ Tài chính mới đưa ra được tỷ suất thuế nào là hợp lý", ông Võ nói.