Giá sữa ngoại cao “ngất ngưởng” do quản lý?

Lan Hương (Theo Dân trí)

Kết quả khảo sát trên 100 loại sữa nhập khẩu vào Việt Nam cho thấy giá cao hơn các nước trong khu vực từ 20 - 60%. Giá sữa ngoại cao được lý giải ở nhiều nguyên nhân.

Giá sữa nhập khẩu cao hơn 150%so với khu vực

Trước tình hình “sốt” giá sữa nhập ngoại gây bất bình dư luận trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa tiến hành khảo sát giá của trên 100 loại sữa khác nhau thuộc 10 hãng sữa nước ngoài như: Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, Wyeth, Friso, XO, Dutch Lady, Hiez…

Kết quả cho thấy, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia nhìn chung là cao hơn từ 20 - 60%, thậm chícá biệt có loạicao hơn đến150%.

Điển hình như sữa Ensure gold, Pedia Sure (của Abbott) cao hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 20 - 30%; Enfa Grow (của Mead Johnson) cao hơn Malaysia khoảng 50%; Friso 1 Gold, Friso 3 Gold cao hơn khoảng 50 - 60% (có cửa hàng còn cao hơn 80%) so với Malaysia…

Với dòng sữa XO có giá bán so với nước sản xuất (Hàn Quốc) cao hơn khoảng 26 - 30%. Đặc biệt, sữa Dugro 1, 2, 3 (của Dumex) bán ở Việt Nam cao hơn so với các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 100 - 150%.

Trước tình hình giá sữa nhập khẩu trong nước cao hơn nhiều so với nước ngoài, đã có nhiều lời biện minh rằng nguyên nhân là do tỷ giá hối đoái tăng, do thuế nhập khẩu trong nước cao. Nhưng theo Cục quản lý cạnh tranh, với mức tăng tỷ giá hối đoái từ 6 - 8% vừa qua chưa thể lý giải cho việc giá bán lẻ mặt hàng này quá cao như vậy.

Điều này càng vô lý hơn đối với việc đổ tại thuế. TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết, mức thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam không quá 10%, thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu vào Thái Lan. Các nước Indonesia, Malaysia nhìn chung cũng thấp hơn so với Việt Nam.

Không chỉ có sự khác biệt về giá sữa nhập khẩu so với các nước trong khu vực, kết quả khảo sát nghiên cứu cũng cho thấy, ngay giá sữa trên thị trường Việt Nam có sự khác nhau giữa các cửa hàng.

TS Nga đưa ra dẫn chứng: Có khi cùng một loại sữa nhưng mỗi siêu thị lại bán một giá khác, chênh nhau tới 30%. “Bởi vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn nơi mua sản phẩm” - TS Nga đưa ra lời khuyên.

Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý?

Hầu hết các loại sữa bột trẻ em nhập khẩu đều có chênh lệch giá mua và giá bán lẻ khá cao.

Theo báo cáo của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, điển hình như loại Enfa Grow A+ loại 900g chênh lệch tới 242%; Dugro Gold loại 800g chênh lệch 285%; Gain, Pedia Sure, EnSure… loại 400g chênh lệch từ 220 - 246%.

Đặc biệt, qua kiểm tra chứng từ nhập lô hàng Ensure từ Thái Lan (không phải do nhà phân phối nhập khẩu), giá gốc lô hàng này không thấp như giá gốc của nhà phân phối nhưng lại bán thấp hơn nhà phân phối tới 26%. Sự việc này khiến nhà phân phối kiến nghị cơ quan kiểm tra là sữa giả nhãn hiệu nhưng thực chất đây là lô hàng nhập khẩu song song.

Trước tình hình đó, tại hội thảo “Giá sữa và vấn đề kiểm soát” do Cục quản lý cạnh tranh tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: Giá sữa cao với chất lượng cao có thể chấp nhận do nhu cầu sử dụng.

Nhưng giá sữa cao do chênh lệch giá cao mà nhà nước không thu được thuế, người tiêu dùng chịu thiệt và là nguồn cạnh tranh quảng cáo quá mức thì phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý. “Cần xem xét có sự tiếp tay, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý tại khâu này không?” - ông Dũng nói.

Theo thống kê của tổng cục Hải quan thì hiện nay trên thị trường Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm - một lợi thế để tạo ra thị trường cạnh tranh trong ngành sữa.

Rõ ràng, vấn đề người tiêu dùng trong nước luôn phải muasữa nhập khẩu với giá cao “ngất ngưởng” nằm ở rất nhiều khâunhưng dư luận đang chờ đợi sự can thiệp của các cơ quan chức năng vì quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng nói chung và trẻ em nói riêng.