Giáo dục nhân quyền: Biện pháp “dài hơi” thúc đẩy đảm bảo quyền con người

PV.

Cùng với những nỗ lực đảm bảo quyền con người của Đảng và Nhà nước trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người. Giáo dục nhân quyền được coi là biện pháp quan trọng, “dài hơi” nhằm thúc đẩy việc bảo đảm thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người.

Thời gian qua, hệ thống thiết chế và thể chế về bảo đảm quyền con người của Việt Nam đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Qua đó, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc trong triển khai thực hiện nhân quyền trong thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ về nhân quyền đã đạt được, hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc phổ cập, tuyền truyền về quyền con người. Điều này dẫn đến nhiều người dân không hiểu rõ quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm. Do đó, giáo dục quyền con người hay còn gọi là giáo dục nhân quyền trở thành yêu cầu bức thiết, mang tính thời đại và lâu dài đối với quá trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Giáo dục nhân quyền nhằm tuyên truyền kiến thức về quyền con người và có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa vi phạm và giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.

Hiện nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong một số chương trình chính khóa ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã có sự lồng ghép quyền công dân, quyền trẻ em vào môn học đạo đức, giáo dục công dân, ngữ văn. Trong các chương trình đào tạo đại học, quyền con người đã được tích hợp, lồng ghép vào một số môn học như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Công pháp quốc tế...

Bên cạnh các chương trình đào tạo chính thức tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các hình thức giáo dục không chính thức, thông qua việc mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quyền con người, quyền trẻ em, quyền phụ nữ/bình đẳng giới... đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy Ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và một số cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.

Hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về bảo đảm quyền con người; Các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần đẩy lùi một bước những nhận thức lệch lạc, sai trái về quyền con người ở Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giáo dục quyền con người ở Việt Nam còn không ít hạn chế như: Dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các trường chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo; Chưa có một chương trình giáo dục về quyền con người thống nhất trong các cơ sở giáo dục; Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên, người học và cộng đồng xã hội chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về quyền con người; Tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục…

Để khắc phục tình trạng trên, tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc mầm non đến đại học. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người.

Chính phủ đề ra nhiều nhóm giải pháp trọng tâm nhằm triển khai đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân như: Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa có nội dung về quyền con người; Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên; Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân; Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giáo dục quyền con người; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân…