Hạn chế hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: 3 giải pháp trọng tâm

Theo Việt Anh/congthuong.vn

Bộ Công Thương đang tích cực tìm giải pháp hạn chế hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đó là khẳng định của dại diện Cục TMĐT và Kinh tế số tại Diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam tổ chức mới đây.

Cần có biện pháp kiểm tra hàng hóa trên sàn TMĐT để bảo vệ người tiêu dùng
Cần có biện pháp kiểm tra hàng hóa trên sàn TMĐT để bảo vệ người tiêu dùng

Lúng túng xử lý hàng giả trên mạng

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) - năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, quy mô thị trường này sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng thừa nhận, công tác quản lý lĩnh vực TMĐT đang gặp không ít khó khăn khi tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng với sự phát triển về công nghệ đã khiến những dự báo về TMĐT trở nên lỗi thời.

Những tồn tại, hạn chế của phương thức này không phải chỉ Việt Nam gặp phải mà là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới, như ở châu Âu có tới 55% khách hàng nhận phải hàng giả khi đặt mua qua mạng.

Đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT khiến cơ quan quản lý nhà nước đau đầu. Năm 2018, đã phát hiện, xử lý 250 trường hợp vi phạm về hoạt động TMĐT, trong đó tập trung vào các hành vi như trách nhiệm minh bạch thông tin, quy trình giao dịch, trách nhiệm thực hiện hợp đồng với khách hàng của các sàn TMĐT. Nghị định số 52/2013/ NĐ-CP của Chính phủ về lĩnh vực TMĐT chưa xử lý được hết về giao dịch thanh toán, minh bạch thông tin, bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc chưa cấp phép cho các mô hình cho vay trực tuyến không qua ngân hàng, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, đây là một lĩnh vực khá mới, pháp luật cũng chưa điều chỉnh hết. Hơn nữa, Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý website TMĐT cũng loại các website về lĩnh vực tài chính. “Mảng này có liên quan đến việc quản lý ngành của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Các mô hình cho vay ngang hàng chưa được phân định cụ thể nên chúng tôi chưa thể cấp phép được” - ông Nguyễn Hữu Tuấn nói và cho biết, Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu về vấn đề này.

Tập trung triển khai 3 nhiệm vụ

Trước thực trạng trên, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT đang được Cục TMĐT và Kinh tế số tập trung hoàn thiện, chuẩn bị cho sự phát triển bùng nổ của thị trường, những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng kênh trực tuyến để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Hiện nay, các trang TMĐT hoạt động được quy định theo luật, khi đăng ký phải có những cam kết và đó là một trong những cơ sở để cơ quan quản lý nắm bắt. “Cần giải pháp đồng bộ vì, sàn giao dịch TMĐT cũng giống như chợ đời thường. Đối với các loại hàng hóa trên TMĐT cũng vậy, muốn kiểm tra là hàng giả, hàng nhái cũng cần phải có biện pháp kiểm tra như hàng hóa ở chợ”- đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số lưu ý.

Theo đó, để hạn chế hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên sàn TMĐT, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm. Cụ thể, nâng cấp, sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. Cục đã có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan, cũng như quản lý thị trường, công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng.

Để bảo vệ người tiêu dùng tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái trên internet, Bộ Công Thương đang cùng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng kế hoạch tổng thể chống nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.