Hành lang pháp lý hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

ThS. Trương Huỳnh Thắng

Thương mại điện tử ngày càng phát triển và là xu hướng tất yếu khách quan của hoạt động thương mại toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Theo một số dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam có thể được duy trì ở mức trên 25% trong giai đoạn từ 2018-2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020 có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động thương mại, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, pháp luật đã có nhiều quy định điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Bài viết giới thiệu một số quy định hiện hành liên quan đến công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế lĩnh vực này hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Một số quy định hiện hành liên quan đến công tác quản lý thuế

Chủ thể hoạt động thương mại điện tử

Theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT), thương nhân, tổ chức, cá nhân (gọi chung là tổ chức, cá nhân) có thể lựa chọn và tổ chức hoạt động TMĐT theo một hoặc nhiều hình thức như thông qua trang thông tin TMĐT bán hàng (website TMĐT bán hàng) và/hoặc trang thông tin cung cấp dịch vụ TMĐT (website cung cấp dịch vụ TMĐT).

Trong đó, website TMĐT bán hàng là những website TMĐT do các tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ của mình; Website cung cấp dịch vụ TMĐT là những website TMĐT do tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại như sàn giao dịch TMĐT, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến…  

Chủ thể của hoạt động TMĐT rất phong phú, đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau. Tùy theo quy mô, hình thức hoạt động TMĐT và quan hệ TMĐT mà họ tham gia, các chủ thể TMĐT có thể được chia thành những nhóm chủ thể chính như sau: Nhóm chủ thể bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Nhóm chủ thể mua hàng hóa, dịch vụ và Nhóm chủ thể cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT. 

Để các hoạt động TMĐT diễn ra trung thực, công bằng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và của người tiêu dùng, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP yêu cầu tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT bán hàng và bán hàng trên sàn giao dịch điện tử phải thực hiện nhiều công việc, trong đó có việc thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định.    

Liên quan đến trách nhiệm đăng ký thuế

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm đăng ký thuế. Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân (bao gồm hộ gia đình, sau đây gọi chung là cá nhân) phải thực hiện đăng ký với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế.

Đăng ký thuế được thực hiện đồng thời hoặc độc lập sau khi tổ chức, DN và cá nhân được cấp Giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng mã số thuế khi thực hiện kê khai, nộp thuế và thực hiện các thủ tục về thuế khác.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN, tổ chức, DN là chủ sở hữu website TMĐT bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT được cấp mã số thuế cùng với thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh DN.

Đối với những tổ chức, DN đã đăng ký kinh doanh trước thời điểm ngày 1/7/2015 (ngày Luật DN năm 2014 có hiệu lực thi hành), tổ chức, DN có trách nhiệm đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cấp một trong các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư. 

Theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế, cá nhân là chủ sở hữu website TMĐT bán hàng, chủ trang mạng xã hội bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT được cấp mã số thuế khi thực hiện khai thuế lần đầu.

Trường hợp đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế quản lý quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi đặt điểm kinh doanh của cá nhân trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trường hợp cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân thì cá nhân sử dụng mã số thuế cá nhân đã được cấp để kê khai, nộp thuế.

Chính sách thuế và kê khai, nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Hoạt động TMĐT xét về bản chất là hoạt động thương mại diễn ra bằng phương thức điện tử trên môi trường có kết nối internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Đối tượng được các chủ thể giao dịch trong TMĐT là hàng hóa hoặc dịch vụ.

Luật Thuế thu nhập DN (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định rõ chính sách thuế đối với tổ chức, cá nhân thực hiện bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên website TMĐT bán hàng, trang mạng xã hội hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT.

Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định rõ chính sách thuế đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trên các website TMĐT bán hàng, trang mạng xã hội hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT.

Theo đó, tổ chức được thành lập theo Luật DN và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT, thuế TNDN.

Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam (bao gồm hộ gia đình) có hoạt động kinh doanh TMĐT có tổng doanh thu từ tất cả các loại hình kinh doanh trong năm (kể cả các loại hình kinh doanh khác ngoài kinh doanh TMĐT qua mạng) trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh quy định tại Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, Điều 2, 3, 6 và 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính về thuế TNCN.

Tùy theo loại hình địa điểm kinh doanh (địa điểm kinh doanh cố định hay địa điểm kinh doanh không cố định), mục đích sử dụng website TMĐT hoặc trang mạng xã hội để giao dịch, hoặc/và bán hàng, cơ quan thuế quyết định yêu cầu cá nhân khai thuế theo phương pháp khoán hay khai thuế theo từng lần phát sinh.

Bảng 1: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế

TT

Hành vi vi phạm

Mức xử phạt

1

Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 của Luật này hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 33 của Luật này

Xử phạt bằng tiền với mức từ 1 đến 3 lần số thuế trốn

2

Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp

3

Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán

4

Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn

5

Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn

6

Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan

7

Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

8

Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hoá nhằm mục đích trốn thuế

9

Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế

Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam hoặc có thu nhập từ kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Cụ thể, trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ là các DN, hợp tác xã được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua hàng phải có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế nhà thầu và nộp thuế cho nhà thầu nước ngoài theo quy định trước khi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho nhà thầu nước ngoài.

Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ là các tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.

Quy định về hóa đơn điện tử

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT và Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Thời điểm lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Tuy nhiên, trong hoạt động TMĐT, người bán và người mua thường không trực tiếp “đối mặt” với nhau. Do vậy, hóa đơn điện tử (HĐĐT) sẽ là giải pháp thích hợp được người bán lựa chọn sử dụng thay cho hóa đơn giấy truyền thống.

Theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trước khi sử dụng HĐĐT, người bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ phải lập thông báo phát hành HĐĐT gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp, trong đó thể hiện rõ các thông tin về tên đơn vị phát hành HĐĐT gửi, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, loại hoá đơn dự kiến phát hành (tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn) ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành, ngày lập thông báo phát hành; Tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của đơn vị (trường hợp gửi Thông báo phát hành tới cơ quan thuế bằng giấy) hoặc chữ ký điện tử của tổ chức phát hành (trường hợp gửi đến cơ quan thuế bằng đường điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế). 

Khi bán hàng hóa, dịch vụ, người bán thực hiện lập HĐĐT gửi tại hệ thống phần mềm lập HĐĐT của mình và ký điện tử trên hóa đơn, đồng thời truyền trực tiếp đến hệ thống của người mua theo cách thức truyền nhận HĐĐT đã thỏa thuận giữa hai bên.

Để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá trong quá trình lưu thông, người bán hàng, dịch vụ có thể chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy. HĐĐT khi chuyển đổi sang hóa đơn giấy phải bảo đảm các yêu cầu về tính toàn vẹn của thông tin trên hóa đơn nguồn, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán. 

Xử lý vi phạm về thuế trong hoạt động thương mại điện tử

Luật Quản lý thuế xác định, những trường hợp không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế theo quy định là hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Theo đó, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên website TMĐT, trên trang mạng xã hội bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT không thực hiện kê khai, nộp thuế được xác định có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế. Tổ chức, cá nhân có hình vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ bị xử phạt bằng tiền với mức từ 01 đến 03 lần số tiền thuế trốn.

Trường hợp số tiền thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên hoặc số thuế trốn dưới 100 triệu đồng nhưng tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế, tổ chức, cá nhân có hình vi trốn thuế sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Vướng mắc phát sinh và định hướng xử lý

Pháp luật về thuế và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT mặc dù đã được kiện toàn nhưng trong quá trình theo dõi, quản lý thuế thực thế cho thấy vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Những vướng mắc này đang được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý. Cụ thể như:

Thứ nhất, về phương thức quản lý thuế đối với nhà thầu nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam: Nhờ những đặc tính linh hoạt, thuận tiện của internet, các nhà thầu nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có thể dễ dàng bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Các giao dịch xuyên biên giới này có thể dễ dàng “xuyên thủng” hàng rào quản lý truyền thống. Trong những năm qua, các giao dịch TMĐT xuyên biên giới đã được nhận diện, tăng cường theo dõi quản lý. Tuy nhiên, quản lý thuế đối với các giao dịch này vẫn là thách thức đối với cơ quan thuế các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việc tham gia Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận cùng với những định hướng tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chia sẻ thông tin với cơ quan thuế các nước  và giữa cơ quan thuế với các ngân hàng thương mại; Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế tập trung, trong đó sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu riêng về quản lý các DN kinh doanh TMĐT được xem là giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các giao dịch TMĐT xuyên biên giới trong thời gian tới.

Thứ hai, chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các giao dịch TMĐT: Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý website TMĐT thì các mạng xã hội có một trong những hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc đăng tin mua bán hàng hóa, dịch vụ phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT; Tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ trên các trang mạng xã hội có trách nhiệm kê khai, nộp thuế.

Tuy nhiên, nhiều trang mạng xã hội không có trụ sở hoặc không hiện diện tại Việt Nam như: Facebook, Instagram… các quy định của Việt Nam không thể ràng buộc những trang mạng xã hội này.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế, cơ chế đăng ký thuế và cấp mã số thuế cho cá nhân kinh doanh vẫn được thực hiện độc lập, tách rời hoạt động đăng ký kinh doanh và thông báo hoạt động TMĐT.

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCT chưa quy định các tổ chức, cá nhân bán hàng trên trang mạng xã hội phải thực hiện thông báo việc bán hàng với Bộ Công Thương, chưa quy định cơ chế chia sẻ thông tin, cơ chế kết nối đăng ký thuế, cấp mã số thuế tự động giữ cơ quan quản lý hoạt đông TMĐT và cơ quan thuế. 

Để xử lý những tồn tại này, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến sẽ bổ sung trách nhiệm của một số bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT; quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán.

Đồng thời, Bộ Công Thương cần tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCT theo hướng tăng cường tự động chia sẻ, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước để không chỉ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bán hàng trên website TMĐT, hoặc trên trang mạng xã hội đăng ký thuế, mà còn giúp cơ quản thuế quản lý được đối tượng nộp thuế.

Thứ ba, theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì việc khởi tạo, lập HĐĐT chỉ áp dụng cho các tổ chức là DN, chưa áp dụng cho cá nhân. Do vậy, chưa có cơ sở pháp lý để cá nhân là người chủ sở hữu website TMĐT bán hàng, chủ sở hữu trang mạng xã hội bán hàng hoặc người bán hàng trên website cung cấp dịch vụ TMĐT khởi tạo, lập HĐĐT.

Đây cũng là một khó khăn để cơ quan thuế quản lý doanh thu khi xác định mức thuế khoán hoặc kiểm tra, thanh tra tờ khai thuế của cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ trên website TMĐT hoặc trên mạng xã hội.

Về vấn đề nay, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý thuế, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dự kiến bổ sung một Chương quy định về HĐĐT và áp dụng HĐĐT. Đây là giải pháp lâu dài nhằm nâng cao giá trị pháp lý của quy định về HĐĐT và bao quát được các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh thương mại nói chung và hoạt động TMĐT nói riêng.

Trước mắt, vấn đề này sẽ được nghiên cứu, xử lý bước đầu, khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP (về sửa đổi một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ).  

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008;

2. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008;

3. Luật Thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

4. Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ;

5. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ;

6. Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ;

7. Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp;

8. Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng;

9. Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính về thuế thu nhập cá nhân.