Hiểm họa an ninh mạng: Ứng phó linh hoạt

Theo Quỳnh Nga/congthuong.vn

Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo đó, các tổ chức và doanh nghiệp (DN) cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) an toàn hiệu quả để ứng phó linh hoạt với các hiểm họa an ninh mạng.

Khi các DN tại Việt Nam số hóa hơn, an ninh mạng là một trong ba công nghệ hàng đầu nên được đầu tư. Nguồn: Internet
Khi các DN tại Việt Nam số hóa hơn, an ninh mạng là một trong ba công nghệ hàng đầu nên được đầu tư. Nguồn: Internet

Yếu tố quan tâm hàng đầu

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong quý I/2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 620 cuộc, giảm 21,17% so với quý IV/2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I/2018. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma là 1.845.133 địa chỉ, giảm 17,42% so với quý IV/2018, giảm 56,19% so với cùng kỳ quý I/2018.

Chỉ số này cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã có chuyển biến, đặc biệt, các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đạt được hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, nhiều DN đã chủ động lên kế hoạch và ngân sách đầu tư hệ thống an ninh mạng trong năm 2019 với sự tư vấn chuyên môn từ các công ty bảo mật.

Bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng giám đốc Cisco Việt Nam - cho biết, Cisco đã thực hiện khảo sát trên 150 DN Việt Nam. Nhìn chung, mức độ đầu tư cho an ninh bảo mật của các DN ngày càng gia tăng. Lãnh đạo các DN đều coi an ninh bảo mật là yếu tố được quan tâm hàng đầu và coi các vấn đề mất an toàn bảo mật sẽ kìm hãm các ý tưởng sáng tạo và sự phát triển của DN.

Do đó, an ninh - bảo mật là yếu tố nằm trong chiến lược kinh doanh và phát triển của DN chứ không còn giới hạn trong yếu tố CNTT. Đặc biệt, khi các DN tại Việt Nam số hóa hơn, an ninh mạng là một trong ba công nghệ hàng đầu nên được đầu tư nhiều nhất cùng với đầu tư vào đám mây và nâng cấp phần mềm và phần cứng CNTT.

Nâng cao năng lực an toàn thông tin

Theo Cục An toàn thông tin, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của CNTT và truyền thông đã làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo. Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là rất nhiều các nguy cơ và rủi ro mất an toàn thông tin tiềm ẩn trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Bà Lương Thị Lệ Thủy cho rằng, để có thể bảo vệ chính mình trong kỷ nguyên số hóa với rất nhiều mối đe dọa tấn công, các DN và tổ chức cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở ba yếu tố cơ bản: Đào tạo con người, nâng cao kiến thức/nhận thức về an toàn thông tin; xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố; triển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, mọi DN sử dụng CNTT đều cần đến bảo mật an toàn thông tin. Một sơ xuất hay lỗi nhỏ trong lĩnh vực này có thể dẫn đến thiệt hại lớn. Tuy nhiên, đối với những DN lớn có nguồn lực để đầu tư, nhưng sẽ còn nhiều DN vừa và nhỏ không khỏi lo lắng băn khoăn trong việc bảo vệ hệ thống dữ liệu của mình trước mọi nguy cơ về an ninh mạng. Vì vậy, làm sao để các DN có thể chủ động bảo vệ thông tin, có chiến lược đúng đắn về bảo mật và an toàn thông tin trong hoạt động kinh doanh khi chuyển đổi số là vấn đề cần được sớm giải quyết.