Hơn 68.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo Dương Cầm/daibieunhandan.vn

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) trên cả nước.

6 tháng đầu năm, hơn 68.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Nguồn: Internet
6 tháng đầu năm, hơn 68.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Nguồn: Internet
Trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền 35,4 tỷ đồng. Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 2.822 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng ATTP.
Nguyên nhân xử phạt đều tập trung vào các cơ sở thiếu dụng cụ, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh kém, vi phạm về con người. Ngoài ra, một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai 9 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP; đồng thời, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 cơ sở với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, các cơ quan chuyên ngành thực phẩm từ nay tới cuối năm sẽ tập trung vào công tác hậu kiểm theo Nghị định 15/2018/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về ATTP, cố gắng hoàn thành sớm nhất. Dữ liệu này chứa tất cả thông tin về cơ sở sản xuất thực phẩm trong nước, tất cả sản phẩm đã công bố, cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn, để người dân biết, theo dõi và lựa chọn sản phẩm.

Theo kế hoạch 315 về việc triển khai công tác hậu kiểm ATTP năm 2018, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và UBND cấp tỉnh cần xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát ít nhất 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.

Công tác hậu kiểm được thực hiện có hiệu quả nhằm bảo đảm ATTP từ khâu sản xuất, nhập khẩu tới lưu thông trên thị trường; chú trọng hậu kiểm đối với cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.