Hợp đồng in sẵn: Khôn bán - dại mua


Chỉ nghe tư vấn rồi kí hợp đồng theo mẫu do doanh nghiệp soạn thảo sẵn nên đến khi gặp chuyện khách dắng họng không cãi được vì ở thế “sự đã rồi”.


“Bút sa, gà chết”

Cách đây gần 10 năm, chị T.T (Tp.HCM) mua hợp đồng bảo hiểm Phú An Khang cho mẹ chồng kèm theo sản phẩm phụ là bảo hiểm bệnh tật và tai nạn. Đến năm 2010, Prudential gửi thông báo chấm dứt hợp đồng sản phẩm phụ với lý do mẹ chồng chị đã 65 tuổi. Đến lúc này, chị mới ngớ người ra, tìm lại hợp đồng và hỏi lại người phụ trách hợp đồng bảo hiểm.

Khi được trả lời đây là quy định chung của công ty thì chị cho rằng: “các nhà tư vấn bảo hiểm đã lờ đi hoặc cố tình không tư vấn rõ cho khách hàng biết để rồi đến khi có thông báo của bảo hiểm nhiều người mới vỡ lẽ ra”. Trong khi đó, chỉ cần truy cập website của Prudential, khách hàng sẽ thấy ngay mục Bảo hiểm bệnh tật và tai nạn đáo hạn khi khách 65 tuổi rất rõ ràng.

Rất nhiều khách hàng viễn thông phản hồi VietNamNet cũng trong tình trạng không đọc kĩ hợp đồng để rồi khi không hài lòng về dịch vụ thì lại ấm ức việc phải “đền” khuyến mại. Anh N.H.B tại Vĩnh Phúc chia sẻ: “Họ đem hợp đồng đến thì tôi kí chứ đọc làm gì. Hợp đồng ADSL nào chẳng giống hợp đồng nào. Hầu hết người Việt mình đăng kí dịch vụ Internet có mấy ai đọc kĩ hợp đồng đâu”.

 

“Ép” khách bằng hợp đồng mẫu

Trong khi có những khách hàng “quên” đọc kĩ hợp đồng đã vội kí thì cũng có những khách hàng đọc rất kĩ, xem xét tỉ mỉ rồi mới đặt bút. Nhưng họ cũng chẳng thể làm được gì hơn khi gặp trục trặc nảy sinh và bất lợi vẫn thuộc về họ vì hợp đồng đã kí là hợp đồng mẫu do doanh nghiệp soạn thảo, không thể thỏa thuận hay bổ sung điều khoản.

Năm 2009, một người dùng đã tuyên bố sẽ kiện ngân hàng vì ngân hàng trốn tránh trách nhiệm trong việc để kẻ gian rút tiền của họ từ sổ tiết kiệm. Nhưng ngân hàng đã chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm, đổ lỗi cho người tiêu dùng phát hiện và thông báo việc mất sổ tiết kiệm muộn với quy chế viện dẫn: “mất thẻ phải thông báo cho ngân hàng bằng điện thoại, trong vòng 24h sau khi thông báo phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất thẻ tiết kiệm. Nếu không thông báo kịp thời, khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra.”

Nhiều doanh nghiệp còn cho mình quyền tự thay đổi quy định chung, điều khoản trong hợp đồng và thông báo tới khách hàng bằng phương tiện thông tin đại chúng, trên website, qua tin nhắn mà không hề mời khách đến làm lại hợp đồng hay bổ sung điều khoản đã thay đổi. Khi họ đã thông báo như vậy, khách hàng nghiễm nhiên buộc phải chấp nhận điều khoản thay đổi dù có đồng ý hay không.

Trước nay, tập đoàn điện lực EVN thay đổi phí sử dụng điện sinh hoạt cũng chỉ thông báo tới mọi khách hàng qua phương tiện truyền thông đại chúng. Mới đây, một doanh nghiệp viễn thông lớn đã thay đổi nội dung của gói cước trọn gói. Điều này đã khiến một khách hàng qua một đêm đã nợ khoản cước phí lên tới hàng chục triệu đồng.

Sau những lùm xùm trên mặt báo, cuối cùng khách hàng này cũng được miễn cước nhưng qua câu chuyện này, rõ ràng với việc tự soạn thảo hợp đồng và có quyền thay đổi điều khoản, chính sách nếu muốn, doanh nghiệp đang ở thế trên cơ và có thể “ép” người dùng qua hợp đồng mẫu.

Việc đưa ra những quy định hạn chế, loại bỏ quyền của người tiêu dùng; buộc người dùng phải gánh chịu những rủi ro bất hợp lý… là hai trong bốn hình thức xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng thông qua hợp đồng đồng mẫu mà ông Nguyễn Văn Thành – Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh – đã tổng kết.

Mua hàng cả đời chưa hết dại

Chị T.T khẳng định, nếu biết trước điều khoản chỉ được mua bảo hiểm bệnh tật và tai nạn đến năm 65 tuổi thì chị cũng sẽ dừng mua bảo hiểm chính ở năm bảo hiểm phụ kết thúc mà không kéo dài thêm.

Nhưng vì không tìm hiểu kĩ thông tin này mà chị lâm vào thế dở khóc dở cười sau 10 năm đóng tiền và chỉ còn biết khuyên người khác: “Trước khi ký kết hợp đồng hãy tìm hiểu thật kỹ và yêu cầu tư vấn rõ ràng, hoặc dành chút thời gian xem kỹ lại hợp đồng để hiểu rõ hơn, có những cái tư vấn nói khác trong hợp đồng lại khác… Đừng để đến 10 năm sau mọi chuyện mới vỡ lẽ như tôi”.

Nếu hợp đồng mẫu do phía ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông… soạn thảo tuân thủ đúng các quy định thì đã không có những điều khoản miễn nhiễm trách nhiệm doanh nghiệp mà đẩy rủi ro về phía người dùng.

Trong mua bán, người nào có được thông tin thì kẻ đó có được lợi thế. Với việc bán sản phẩm, dịch vụ bằng hợp đồng mẫu, doanh nghiệp là kẻ “khôn bán” khi vừa nắm rõ thông tin vừa ép được người dùng đồng ý. Còn khách hàng dù đọc hay không đọc hợp đồng vẫn ở thế “dại mua” bởi khi đã đồng ý sử dụng sản phẩm dịch vụ, kí vào hợp đồng nghĩa là phải đồng ý với tất cả những quy định bất lợi cho mình mà bên bán đưa ra.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từng viết: “Khoa học thông tin đã chứng minh sự lừa đảo liên quan đến bất đối xứng về thông tin. Bên lừa biết bản chất, giá trị của món hàng nhưng không cung cấp thông tin cho người mua, người mua cũng không có khả năng kiểm chứng chất lượng hàng hóa mà mình mua tại thời điểm mua hàng. Khi mua rồi mới té ngửa ra là “nói vậy mà không phải vậy” thì đã muộn. Để đối phó, trên thế giới đã có qui định về công khai, minh bạch thông tin, về vai trò của các cơ quan giám định độc lập, kiểm chứng.”

Ở Việt Nam, vẫn chưa có luật nào đủ để bảo vệ NTD trong trường hợp này. NTD chỉ có hai lựa chọn hoặc chấp nhận kí hợp đồng mua sản phẩm, dịch vụ dẫu có thể biết điều kiện mà người bán đưa ra bất lợi cho mình hoặc miễn dùng sản phẩm, dịch vụ đó. Phải đợi đến khi luật Bảo vệ NTD được chính thức công nhận thì may ra Tòa án Bảo vệ NTD mới có thể tuyên bố các điều khoản trong hợp đồng miễn nhiễm trách nhiệm người bán, gây bất lợi cho người dùng là vô hiệu.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet