Khó quản lý, thu hồi “đất vàng”, vì sao?

Theo Gia Nguyễn/enternews.vn

Mặc dù là những mảnh đất có giá trị cao, thế nhưng, “đất vàng” được chuyển giao lại vô cùng “mất giá”, thậm chí là chỉ định giao, không qua đấu giá… đến khi hoang hóa, chậm tiến độ lại khó thu hồi…

Thời gian vừa qua, sau hàng loạt những vụ án liên quan đến đất vàng được đưa ra ánh sáng, dư luận xã hội lại được một phen dậy sóng bởi những sự thật phía sau, từ đất công đến đất tư đều tồn tại chiêu trò thâu tóm, lợi ích,… nổi cộm lên như vụ việc của cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Nguyên Văn Hiến khi đã ký các hồ sơ liên quan giúp cho Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) thâu tóm nhiều khu đất vàng đang được quân đội quản lý; vụ việc hai cựu Thứ trưởng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) thâu tóm nhiều khu đất vàng tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Hay mới đây nhất là vụ việc số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh liên quan đến cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố - Nguyễn Thành Tài; vụ việc giang hồ mạng Đường Nhuệ, tại Thái Bình…

Liên quan đến "đất vàng", hàng loạt các vụ án đình đám cũng vừa được đưa ra trước ánh sáng - Ảnh: Một khu đất vàng đang được sử dụng sai mục đích tại đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội (Gia Nguyễn/DĐDN)
Liên quan đến "đất vàng", hàng loạt các vụ án đình đám cũng vừa được đưa ra trước ánh sáng - Ảnh: Một khu đất vàng đang được sử dụng sai mục đích tại đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội (Gia Nguyễn/DĐDN)

Vậy, những ẩn khuất nào phía sau? Tại sao “đất vàng” lại dễ dàng bị “thâu tóm” bởi các “nhóm lợi ích”?

Trên thực tế, những vụ việc kể trên chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt các dự án “đất vàng” đang trì trệ, nếu xét trách nhiệm trong công tác quản lý, trước hiện trạng hoang hóa, chậm tiến độ nhiều dự án như hiện nay, thì liệu còn bao nhiêu vụ việc tái diễn?

Như tại huyện Gia Lâm, thời gian vừa qua, dư luận cũng vô cùng bất ngờ trước thực trạng nhiều dự án trên địa bàn xã Ninh Hiệp được chỉ định giao đất, không thông qua đấu giá, trong khi, đây là khu vực giao thương, giá trị đất đai chưa bao giờ rẻ, người được giao làm trung tâm thương mại, người được giao làm trung tâm thể thao nhưng chung quy lại đều chia lô, ki ốt kinh doanh thương mại, bán lại cho người có nhu cầu, vậy thất thoát từ đâu? Ngân sách Nhà nước còn thiệt hại đến bao giờ?

Nhiều dự án tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm vẫn khiến dư luận đặc biệt quan ngại khi thực hiện chỉ định giao đất, không qua đấu giá - Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN
Nhiều dự án tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm vẫn khiến dư luận đặc biệt quan ngại khi thực hiện chỉ định giao đất, không qua đấu giá - Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Đấy là chuyện đã rồi, còn thực tại hiện nay, từ nội đô cho tới ngoại thành, nhiều dự án hoang hóa, chậm tiến độ đang hiện hữu trong thời gian dài, thế nhưng, công tác quản lý, thu hồi vẫn  là “bài toán khó”, cho dù các quy định hiện hành không phải không có căn cứ.

Thực trạng đang tồn tại có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan, tuy nhiên, nếu “đất vàng” cứ mãi vang một điệp khúc hoang hóa, chậm tiến độ thì không chỉ là lãng phí tài nguyên mà còn dẫn đến hàng loạt những hệ lụy, tiền lệ xấu, chưa kể thất thu Ngân sách.

Nhìn vào một số dự án như: Dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT tại số 220 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; dự án Habico Tower được xây dựng trên khu đất gần 5.000 m2, tại số 288 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm; dự án LOD Building tại số 38 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy;… Liệu xót xa không có đủ?

Không ít công trình, dự án "khủng" được kỳ vọng để rồi... thất vọng - Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN
Không ít công trình, dự án "khủng" được kỳ vọng để rồi... thất vọng - Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Chưa kể đến hàng loạt các dự án được xây dựng theo phương thức BT (xây dựng – chuyển giao), mặc dù đã có lệnh khai tử nhưng lẩn khuất phía sau là gì? Là sự bất cập trong định giá, ngang giá; là bất cập trong đối ứng;… như tại dự án đường vành đai 2,5; dự án xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở;…

Từ hàng loạt các hiện trạng thực tế, dư luận không khỏi không đặt ra nghi vấn: Có hay không việc tiếp tay cho vi phạm tại các dự án “đất vàng”? Và mong mỏi một sự vào cuộc quyết liệt, từ các cấp lãnh đạo.

Dư luận mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, để hiện trạng hoang hóa, chậm tiến độ tại những mảnh "đất vàng" không còn là gánh nặng - Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN
Dư luận mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, để hiện trạng hoang hóa, chậm tiến độ tại những mảnh "đất vàng" không còn là gánh nặng - Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN

Liên quan đến vấn đề thu hồi các dự án hoang hóa, chậm tiến độ trên “đất vàng”, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng nhận định với báo chí: khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý (là lợi ích, là hiệu quả của dự án – PV) dẫn đến việc Nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trên quan điểm của mình, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó, do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng, ngoài ra, cương quyết thu hồi có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.