Kinh doanh bằng “quan hệ” hay bằng pháp luật?

Theo TBKTSG

“Quan hệ”, hiểu theo nghĩa trong dấu ngoặc kép như “lót tay”, “đi đêm”, “bôi trơn”... để phục vụ cho việc kinh doanh đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Điều này phổ biến đến mức trong không ít trường hợp “quan hệ” mới đóng vai trò yếu tố quyết định, còn pháp luật chỉ mang tính hình thức, thứ yếu. Vấn đề này nên được nhìn nhận như thế nào?

Từ “bị bắt buộc” đến tự nguyện!

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TPHCM, “quan hệ” ở đây thực chất là một dạng tham nhũng giữa một bên là doanh nghiệp có nhu cầu xin xỏ và đưa lợi ích, còn bên kia-cán bộ công chức có quyền giải quyết và nhận lợi ích. Ông cho rằng 20 năm trước tham nhũng kiểu như trên hầu như không có hoặc rất hiếm. Lúc ấy quan chức chưa biết ra giá, họ chỉ nhận quà cáp lặt vặt và không gắn với quyền lực.

Ngược lại, bây giờ “quan chức biết ra giá, thậm chí tiền chung chi bằng đô la mới chịu lấy”, ông Nghĩa nhận xét. Để việc kinh doanh suôn sẻ, doanh nghiệp phải xây dựng cho mình nhiều mối “quan hệ” chằng chịt. Vụ ông Đoàn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, bị bắt quả tang đang nhận hối lộ 1 tỉ đồng trong số 10 tỉ đồng đòi chung chi từ một doanh nghiệp dệt may hồi tháng 2-2010 cho thấy doanh nghiệp không chỉ phải “quan hệ” với các quan chức thuộc hệ thống chính quyền mà cả với cán bộ ngân hàng để được cấp phát tín dụng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng thừa nhận việc chi trả các khoản phí ngoài quy định của Nhà nước trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp đang ở mức độ phổ biến. Điều này được minh chứng qua kết quả khảo sát gần đây của Ernst & Young. Theo đó, có tới 96% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi đã xác nhận từng có liên quan đến hối lộ hay tham nhũng. Tương tự, theo một cuộc điều tra khác của VCCI vào năm 2009, có 59% doanh nghiệp phải mất “phí bôi trơn”; gần 62% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận phải có “mối quan hệ” với cán bộ tỉnh mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh như quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển hạ tầng...; 41% doanh nghiệp thừa nhận phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương mới làm ăn suôn sẻ...

Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, đáng nói là nhiều doanh nghiệp không cho rằng việc “quan hệ”, chung chi ảnh hưởng, trở ngại lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Khảo sát của Ernst & Young cho biết chỉ có 3% trong số 6.700 doanh nghiệp cho biết “tham nhũng gây khó khăn lớn” cho họ. Điều đó cho thấy đối với một số doanh nghiệp hối lộ, tham nhũng không những không còn là rào cản, không còn bị bắt buộc nữa mà ngược lại trở thành một loại công cụ cạnh tranh lợi hại. Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp tự nguyện chủ động “bắt tay” với người có chức có quyền để cùng đạt một mục tiêu là chia nhau lợi ích. Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, có thể thấy rất rõ hiện tượng nói trên trong các lĩnh vực như giao đất, cho thuê đất; cấp phép khai thác khoáng sản; cấp phép ưu đãi đầu tư; thu thuế; hợp đồng mua sắm ở khu vực công...

Xử sự ra sao?

Hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ sự lo ngại trước hiện tượng kinh doanh dựa vào “quan hệ” đang gia tăng.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng hiện tượng “quan hệ” trong kinh doanh thể hiện một sự xuống cấp về đạo đức của cả người kinh doanh lẫn cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước. Ở một góc độ khác, theo ông Trương Trọng Nghĩa, kiểu làm ăn như vậy không sớm thì muộn sẽ hủy hoại môi trường kinh doanh và nếu chúng ta không kịp thời cải thiện thì “cỏ dại sẽ mọc lấn hết lúa”. Ý ông muốn nói “lúa” ở đây là những doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng sẽ bị thiệt thòi trước sự cạnh tranh không lành mạnh nhờ vào “quan hệ” từ các doanh nghiệp khác. Hậu quả khôn lường là sẽ hình thành các nhóm lợi ích và các nhóm lợi ích này sẽ chi phối cả nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, cách làm ăn dựa vào “quan hệ” là chính sẽ gây khó khăn khi làm ăn với thế giới. Mới đây, trả lời trên tuanvietnam.net, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam-WTO, nhận định “các doanh nghiệp thế giới sử dụng pháp luật để hợp tác kinh doanh trong khi doanh nghiệp Việt Nam nặng về quan hệ để làm ăn. Điều này có thể dễ dàng trong việc làm ăn nhưng rõ ràng để chơi được với thế giới là điều không dễ”. Cũng với ý đó, trên báo này, bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ, cảnh báo rằng nếu cứ tiếp tục cách kinh doanh “không giống ai” như vậy doanh nghiệp trong nước sẽ khó có thể làm ăn toàn cầu.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế xin-cho vẫn còn tồn tại; hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, tạo dư địa cho tiêu cực, nhũng nhiễu. Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng ngoài việc xóa bỏ cơ chế xin-cho và nâng chất lượng hệ thống pháp luật lên thì biện pháp không thể chần chừ được nữa là tách quản lý nhà nước ra khỏi kinh doanh và giảm tối đa việc can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Nói cách khác, dư địa cho “quan hệ” sẽ mất dần khi thị trường chỉ được điều chỉnh thông qua chuẩn mực luật pháp.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại có ý kiến khác. Có doanh nghiệp nói thẳng nếu lựa chọn hai phương án hối lộ hay “mất nồi cơm” thì rõ ràng để tồn tại họ vẫn nghiêng về phương án thứ nhất hơn. “Tôi giả dụ ngày giờ đó doanh nghiệp tôi phải xuất lô hàng cho đối tác. Thế nhưng, cán bộ hải quan gây khó dễ dẫn đến khả năng lô hàng bị chậm trễ, thậm chí không xuất được. Khiếu nại thì phải chờ đợi, có khi được vạ má đã sưng. Chung chi dù mất một số tiền nhưng hàng hóa đảm bảo, dại gì tôi không làm?”, giám đốc một công ty dệt may nói.

Thế nhưng, cũng có ý kiến đặt vấn đề ngược lại: vậy thì tại sao có rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn nước ngoài kiên quyết nói “không” với tham nhũng? Thậm chí, gần đây ở Việt Nam có một số tập đoàn sẵn sàng thuê luật sư với mức phí rất lớn để điều tra, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như hối lộ, chung chi, gian lận... ? Rõ ràng, đây là vấn đề rất cần được mổ xẻ, tranh luận, ngõ hầu tìm một lối ra cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.