Kinh doanh đa cấp biến tướng: Quản lý chặt để người dân không bị mắc lừa

Theo Nguyễn Hạnh/thoibaokinhdoanh.vn

Kinh doanh các khóa học làm giàu, đầu tư các dự án bất động sản, khởi nghiệp từ tay trắng,… là những biến tướng của kinh doanh đa cấp đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, xâm lấn môi trường kinh doanh. Thời gian tới, Hà Nội sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm tra doanh nghiệp (DN) tổ chức những hoạt động này.

Người dân cần cảnh giác với những lời quảng cáo hấp dẫn, Nguồn: Internet
Người dân cần cảnh giác với những lời quảng cáo hấp dẫn, Nguồn: Internet

Nhiều biến tướng tinh vi

Sau những câu chuyện về kinh doanh đa cấp bất chính như các vụ việc của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, MB24, Diamond Holiday… thì mới đây, trên nhiều mạng xã hội có đăng tải các nội dung giới thiệu một tổ chức/công ty có tên "Dự án Hoàng Gia" cung cấp giải pháp hỗ trợ tiêu dùng cho cộng đồng, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đồng thời gia tăng thu nhập với rất nhiều tiện ích như "Khởi nghiệp từ tay trắng từ Hoàng Gia". Cùng với các thông tin trên, một số trang báo điện tử cũng đã cảnh báo về hoạt động có dấu hiệu huy động vốn theo phương thức đa cấp biến tướng của "Dự án Hoàng Gia" thông qua các gói đầu tư như: "Gói gia đình - 84 triệu đồng", "Gói cá nhân - 48 triệu đồng", "Gói tiêu dùng Pro - 12 triệu đồng",…

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương cũng đã xác nhận, đến nay chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dự án Hoàng Gia hay Công ty CP Tập đoàn Dự án Hoàng Gia được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Cục CT&BVNTD cũng đã khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc việc tham gia hoạt động đầu tư, huy động vốn theo hình thức đa cấp trái phép của các công ty này.

Liên quan đến hoạt động này trên địa bàn Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay: Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã thanh tra đối với 8 doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp; xử phạt vi phạm hành chính 2 DN với số tiền 130 triệu đồng và 1 điểm tư vấn dinh dưỡng 3 triệu đồng.

Cần nhìn rõ thủ đoạn lừa đảo

Theo Sở Công thương Hà Nội, số lượng DN bán hàng đa cấp trên cả nước và tại địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn 27 DN đang hoạt động, giảm 10% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ hoạt động bán hàng đa cấp rất lớn, nên sẽ vẫn phát sinh những DN bán hàng đa cấp hoạt động với nhiều hình thức tinh vi hơn. Để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào bẫy lừa đảo đa cấp, người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào người dân tham gia đầu tư, nộp tiền và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy…

Để giúp người dân hiểu rõ về mô hình kinh doanh đa cấp, Sở Công Thương thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp lên website của sở, cũng như thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động này; danh sách các DN đã thông báo hoạt động, DN bị thu hồi giấy phép hay thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Sở cũng đề nghị Cục CT&BVNTD xem xét việc không cho phép DN quy định tại chương trình trả thưởng nội dung hoa hồng, tiền thưởng có căn cứ tính thưởng liên quan đến doanh số bán hàng không phát sinh tại Việt Nam để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Hải Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Với những lời quảng cáo "một vốn, 400 lời", người dân hãy nghĩ ngay rằng đó là biến tướng của bán hàng đa cấp và nên thông báo cho cơ quan quản lý.